Rất thiệt thòi người lao động, người thu nhập thấp
Nhà ở xã hội (NƠXH) là một chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp và những người khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Và sở hữu một căn nhà ở xã hội ở đô thị cũng là niềm mơ ước với rất nhiều người lao động thu nhập thấp.
Thế nhưng, như Lao Động đã phản ánh, một thực tế đang diễn ra, tại một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai, nhiều đối tượng trung gian, cò mồi lại lợi dụng sự khan hiếm của NƠXH để bán kiếm tiền chênh lệch từ người lao động.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) – cho rằng, tình trạng NƠXH bị bán chênh giá tác động đáng kể đến người lao động, đây là một thiệt thòi lớn cho người lao động.
Phân tích các tác động khi NƠXH bị bán chênh giá, ông Thịnh cho rằng, đầu tiên, việc này tạo ra gánh nặng tài chính khó khăn. Người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình thường gặp khó khăn khi đối mặt với giá NƠXH cao hơn so với khả năng tài chính của họ.
Điều này khiến họ phải dùng một phần lớn thu nhập để trả góp mua nhà hoặc phải thuê nhà với giá cao, ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống và khả năng tiết kiệm.
Cũng theo ông Thịnh, tình trạng này còn gây ra sự bất công và tạo ra khoảng cách xã hội. Người lao động không có khả năng tiếp cận NƠXH với giá hợp lý, trong khi một số nhóm đặc biệt như nhà đầu tư hoặc người giàu có có thể mua nhà với giá thấp và tận hưởng lợi ích từ chính sách NƠXH. Điều này tạo ra sự không công bằng trong xã hội và gia tăng sự phân cấp.
Mặt khác, tình trạng NƠXH bị bán chênh giá ảnh hưởng đến niềm tin và ổn định của người lao động với chính sách rất nhân văn này.
Để tránh tình trạng NƠXH bị bán chênh giá, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện tốt, công khai, minh bạch, bình đẳng để tránh tình trạng trên. Và về căn cơ, lâu dài đó là đảm bảo nguồn cung NƠXH.
Tránh tình trạng “cò mồi” kiếm chác từ người lao động
Cùng trao đổi với Lao Động về việc này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, NƠXH khan hiếm do nhiều nguyên nhân và điều này tạo nên sự “lệch pha cung – cầu”. Chính vì vậy người mua là công nhân, người lao động thu nhập thấp rất khó tiếp cận trong việc mua nhà.
“Như chúng ta cũng đã chứng kiến, tại một số dự án đang diễn ra ví dụ như dự án ở NƠXH ở Trung Văn, có tình trạng người dân phải xếp hàng từ nửa đêm để bốc thăm và thậm chí với tỉ lệ chọi rất cao” – ông Điệp dẫn chứng thực tế.
Theo ông Điệp, chính vì sự khó khăn trong tiếp cận được suất mua NƠXH nên cũng từ đây xuất hiện các đối tượng trung gian, cò mồi làm các dịch vụ… “hộ” người lao động. Và họ đã “kiếm chác” từ đấy khiến người lao động, người thu nhập thấp càng thêm áp lực.
Theo ông Điệp, từ chính sách nhân văn về NƠXH, chúng ta phải giảm các tầng nấc trung gian, tránh tình trạng “mua đi bán lại”, lợi dụng chính sách để luồn lách, ăn chênh lệch làm gia tăng áp lực, chi phí lên người lao động.
Ông Điệp cho rằng, việc này cần phải đi sâu vào công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ đầu tư trong việc hướng dẫn người mua NƠXH tiếp cận chính sách một cách công khai, minh bạch, bình đẳng.
“Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải có nhiều giải pháp để các doanh nghiệp có động lực, đầu tư, tham gia vào NƠXH.
Với quy trình mua – bán NƠXH hiện nay thì cách làm không sai nhưng một loạt cơ chế rất lòng vòng. Do vậy, người lao động không dễ dàng tiếp cận. Do đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, tạo ra các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về mua nhà NƠXH” – ông Điệp nêu quan điểm.