Trong những ngày liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất/Da Nang Asian Film Festival – DANAFF I năm 2023, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng chia sẻ, làng Nam Ô nằm bên bờ vịnh Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở nước ta được “lên phim”. Bởi sau khi sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, chỉ 1 năm sau – năm 1896, anh em nhà Auguste Lumière và Louis Lumière (người Pháp) đã cử Gabriel Veyre đến làng ven biển Nam Ô để quay phim.
Cảnh trẻ em chạy chung quanh Gabriel Veyre lúc đang ngồi trên kiệu, cầm máy quay phim vào làng được xem là phim đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Phim quay thành hai đoạn ngắn với thời lượng chưa đầy 2 phút, có tựa đề “Le Village de Namo – Panorama pris d’une chaise à porteurs”, sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và châu Âu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới.
Mọi chuyện về phim ảnh với bên ngoài, sau đó có thể nói là đứt quãng. Và cũng theo ông Bùi Văn Tiếng thì mãi những năm gần đây, hình ảnh Đà Nẵng mới gây ấn tượng trong một số bộ phim nước ngoài, trong đó có phim các nước châu Á. Chẳng hạn như cầu Rồng xuất hiện hoành tráng trong tập đầu tiên của bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Taxi Driver 2” (Tài xế ẩn danh 2) của đạo diễn Lee Dan và biên kịch Oh Sang Ho…
Còn lại những thành tựu phim ảnh, Đà Nẵng gần như không có gì đáng kể ngoài một số phim tài liệu gây tiếng vang trong và ngoài nước gần đây. Dù hiện nay, Đà Nẵng là một trong ba địa phương trong cả nước (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có Hội Điện ảnh trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố.
Đà Nẵng nói riêng và nhiều tỉnh miền Trung nói chung như Huế và Quảng Nam… bây giờ gần như không có cơ hội để sánh vai với hai đầu đất nước về việc sản xuất phim ảnh. Nhưng Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có thể vượt lên, thậm chí vượt xa hai đầu nếu có tầm nhìn và quyết tâm để được “lên phim”.
“Lên phim” không chỉ cho oai mà là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất, thậm chí có khi bằng không, để quảng bá điểm đến đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Từ hơn 10 năm trước, Huế đã có chiến lược cho việc “lên phim” và những năm gần đây, địa phương này đã bắt đầu thu hái quả ngọt bằng những tiếng vang của “Mắt biếc”, “Phượng Khấu”, “Trạng Quỳnh”, “Em và Trịnh”… Hầu hết bối cảnh của những bộ phim nói trên hiện đang là những điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.
Hay vào năm 2017, ngay sau khi “Kong: Skull Island” với bối cảnh chính ở Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình lên màn ảnh rộng toàn cầu, nhiều hãng lữ hành lớn trên thế giới đã ra mắt tour “Theo dấu chân Kong”. Chính quyền TP Gold Coast (bang Queensland, Úc) – một trong những nơi được đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chọn quay phim, đã tổ chức tour này đầu tiên.
Tiếp đến, công ty lữ hành nổi tiếng thế giới Exotic Voyages đã tung ra sản phẩm có tên gọi “New Kong: Skull Island Tour” với giá hơn 2.000 USD trong 10 ngày 9 đêm với những trải nghiệm mà họ chưa bao giờ có được. Và giờ đây, đối với hầu hết các hãng lữ hành Việt Nam, những địa danh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình không thể thiếu vắng trong mỗi chiến dịch quảng bá của mình.
Tuy nhiên, không phải cứ muốn là sau một đêm các tỉnh miền Trung đều được “lên phim” mà cần có ngay các chính sách dài hơi để thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như phục vụ khai thác một cách bền vững thế mạnh này.