Sáng 27.5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở địa phương còn quá ít ỏi.
Để tổ chức được hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở thì Đoàn ĐBQH ở địa phương còn phải phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban, ngành khác và mời các thành viên khác, các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.
Thế nhưng, với kinh phí quy định như hiện tại thì việc mời được các thành viên khác chưa được thuận lợi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động.
“Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét để nâng mức kinh phí phục vụ hoạt động giám sát cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Điều này trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến ở trong bài học kinh nghiệm”, bà Nga nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đối với các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tại các Đoàn ĐBQH nhiều khi còn áp lực về thời gian do không tính đến thời điểm của hoạt động giám sát.
Vì vậy, đại biểu đề nghị kế hoạch giám sát gửi các Đoàn ĐBQH cần được tính toán kỹ hơn về thời gian và thời điểm để tạo điều kiện cho các ĐBQH hoàn thành tốt nhất hoạt động giám sát của mình.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho rằng, các hoạt động giám sát đã tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, qua hoạt động giám sát đã cho thấy cái nhìn tổng quan trong việc thực hiện văn bản pháp luật, thực hiện các chương trình, chính sách để có giải pháp hoàn thiện.
Để hoàn thiện nghị quyết, đại biểu Siu Hương đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công bố thời gian giám sát các nội dung để đảm bảo phù hợp, không tập trung quá nhiều các cuộc giám sát vào thời điểm cuối năm và đầu năm kế tiếp.
Đồng thời đề nghị, quan tâm chỉ đạo việc tổng hợp sau giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH, chuyển các kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết và phúc đáp đến Đoàn ĐBQH nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết kịp thời.
Đại biểu Siu Hương cũng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về phương thức tổ chức hoạt động khảo sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH các tỉnh, thành phố để nâng cao hoạt động khảo sát.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH thống nhất với Tờ trình và dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.
Về giám sát chuyên đề, ngoài 4 chuyên đề đề nghị đại biểu lựa chọn, có một số ý kiến đại biểu đề nghị lựa chọn thêm các lĩnh vực như kinh tế biển, luật biển, cơ sở dữ liệu quốc gia, việc ban hành văn bản pháp luật ở địa phương.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều ĐBQH chuyên trách đã có ý kiến việc tiền hỗ trợ cho hoạt động giám sát, tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát của một ĐBQH còn hạn chế, có 100.000 đồng/một cuộc giám sát.
Theo ông Phương, những vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan Quốc hội nghiên cứu tham mưu để điều hòa các hoạt động giám sát và tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát, điều hòa các hoạt động bằng các hình thức phù hợp và có giải trình cụ thể với Quốc hội.
Riêng vấn đề giao cho Đoàn ĐBQH, HĐND tham gia giám sát đối với các chuyên đề của thường vụ và của Quốc hội, rút kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến của đại biểu một số chương trình trong năm 2023 không yêu cầu Đoàn ĐBQH và HĐND giám sát song song với Đoàn của Quốc hội.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian đó, các đại biểu vẫn phải báo cáo hoạt động giám sát của mình đối với các nội dung đó như thế nào; làm đến đâu báo cáo đến đó chứ không yêu cầu phải tiến hành các cuộc giám sát cùng với Đoàn giám sát của Quốc hội.