Thị trường thêm một tuần nhạt nhòa về điểm số và dòng tiền tiếp tục luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành khác nhau. Dù vậy, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn được nhà đầu tư có phần ưu ái hơn, nhất là các mã có thị giá vừa và nhỏ. Trên sàn HOSE, chiếm phần lớn các cổ phiếu tăng mạnh nhất đều liên quan đến nhóm ngành bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, có tính đầu cơ rất cao.
Trong đó, phải kể đến EVG của Tập đoàn Everland, khi là cổ phiếu tăng mạnh nhất, với phiên ngày 25.5 đã tăng kịch trần, thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 10,44 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi niêm yết tháng 6.2017. Dù bị đưa vào diện cảnh báo cách đây một tháng do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022, nhưng cổ phiếu EVG đã tăng vọt từ 3.330 đồng lên 5.750 đồng, tương ứng tăng hơn 70%. Thanh khoản trong khoảng thời gian này cũng tăng vọt từ ngưỡng 1 triệu cổ phiếu lên 4 đến 7 triệu cổ phiếu/phiên.
Nhìn lại thị trường trong các tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu bất động sản nổi sóng trong thời gian này với giá tăng từ 20 – 50%. Đơn cử như các cổ phiếu ITC, DIG, NDN, TIG ghi nhận tăng hơn 20% trong một tháng, nếu tính trong 2 tháng trở lại đây thì mã ITC, API, DIG, IDJ đạt mức tăng từ 40 – 80%. Đây là điều gây sự chú ý vì trước đó, trong nửa cuối năm 2022, nhóm cổ phiếu bất động giảm sâu do thị trường này rơi vào khủng hoảng vì thanh khoản giảm, doanh nghiệp tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu và vốn huy động từ khách hàng.
Và cho tới nay các vấn đề của thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ và thị trường vẫn chưa thể hồi phục. Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2023 của gần 60 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn, giá trị hàng tồn kho tại ngày 31.3 ở mức trên 350.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp (chủ yếu phát triển loại hình nhà ở, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp) có hàng tồn kho ghi nhận trên mức 10.000 tỉ đồng là Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Kinh Bắc và Phát Đạt.
Theo nhận định của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc phân tích tài chính DGCapital, nhóm cổ phiếu bất động sản tạo sóng trong thời gian qua nhiều khả năng là do dòng tiền đầu cơ đẩy lên, dựa trên các thông tin như lãi suất hạ nhiệt, một số chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản được ban hành, kết hợp với nhịp hồi phục kỹ thuật sau giai đoạn giảm sâu trước đó. Sự đảo chiều của cổ phiếu chưa dựa trên sự thay đổi về bản chất của ngành.
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Phương nhận định, đây vẫn sẽ là nhóm tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới, với kỳ vọng hưởng lợi từ các chính sách tháo gỡ khó khăn pháp lý, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ, hay động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhìn thấy độ rủi ro hiện hữu của nhóm ngành này vẫn còn, đó là rủi ro liên quan đến lãi suất và tín dụng. Các công ty bất động sản có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn và làm việc với các ngân hàng. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt từ nửa cuối năm 2022 đến nay đó là tình trạng “đóng băng” thanh khoản, không bán được hàng nên không có dòng tiền quay vòng.
Chỉ riêng trong 4 tháng tới, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỉ đồng. Dòng tiền để tái cơ cấu nợ do vậy vẫn là bài toán khó buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm được lời giải và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh trong những tháng cuối năm.