Nói về đề xuất xây Nhà hát các dân tộc sau Nhà hát Lớn Hà Nội, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, để xây dựng Nhà hát dân tộc cần tính toán đầy đủ các yếu tố liên quan đến quy hoạch, hạ tầng.
Nhà hát lớn là một công trình, di tích cần bảo vệ theo luật di sản, về quy hoạch cũng cần tuân thủ Luật Xây dựng, do đó khi đưa ra thông tin xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam cần hết sức cẩn trọng.
Cho rằng đưa ra đề xuất xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phía sau Nhà hát Lớn thiếu tính thuyết phục, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng phía sau Nhà hát Lớn không còn đất để xây trong khi xây nhà hát đâu chỉ vài chục ghế ngồi.
Cần xem xét lại dự án được lập theo quy trình nào, khoan bàn tới việc dự án lập có đúng quy định về quy hoạch, xây dựng hay không, cá nhân tôi không đồng tình về đề xuất trên.
“Tôi chưa hình dung được bên cạnh Nhà hát Lớn lại có thêm một nhà hát khác, nó không thực tiễn”, đại biểu nói và cho rằng ủng hộ xây dựng công trình công cộng như nhà hát, thư viện nhưng không phải thích làm đâu thì làm, không cần bằng mọi giá phải làm công trình công cộng khi tại đó đã có công trình tương tự.
Dự án phải khả thi, có sự đánh giá kỹ lưỡng, phù hợp với thành phố và tuân thủ quy định pháp luật.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, khó có thể đưa ra đánh giá chính xác về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là làm được hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc có không gian văn hoá trên địa bàn TP Hà Nội cho các dân tộc là cần thiết.
“Chúng ta có một Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam trên Hòa Lạc. Ngay trên địa bàn Thủ đô cũng có một không gian văn hóa, đó là Bảo tàng dân tộc học. Chúng ta phải tính đến không gian để cho những hoạt động văn hóa được diễn ra.
Tôi nghĩ là rất tốt, không phải chỉ để đáp ứng yêu cầu của người dân mà điều đó, thực sự mang lại sự phát triển cho Thủ đô. Vấn đề là chúng ta phải tìm được không gian cho phù hợp”, ông Cường nhìn nhận.
Theo ông Cường, vị trí đó phải phù hợp với tư duy logic về văn hóa, hoạt động văn hóa khi tổ chức tại sao phải diễn ra tại đó, chứ không phải tự nhiên ta xây dựng một nhà hát, xây dựng một trung tâm biểu diễn ở bất kỳ vị trí nào.
“Khi đã có tư duy logic thì phải tính toán đến tính chất bền vững sự phát triển của không gian đó, chứ không phải là nhất thời. Tôi cho rằng vị trí xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam cần tính toán kỹ”, ông Cường nói thêm.
Trước đó, chiều 26.5, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, cơ quan này đã làm việc với các đơn vị liên quan để nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam.
Theo ông, hiện chưa có ý tưởng cụ thể về Nhà hát các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ tập trung tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà hát này.
Theo Bộ trưởng, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá.
Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn.
“Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí đề xuất sẽ tạo ra dấu ấn riêng, thu hút khách du lịch”, ông Hùng cho hay. Bên cạnh đó, khách đến Hà Nội còn có địa điểm để thưởng ngoạn, giao lưu. Như vậy, có thể giúp kinh tế của Hà Nội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc lựa chọn khu đất phía sau Nhà hát Lớn để xây dựng Nhà văn hoá các dân tộc gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.
Trước đó, tháng 2.2023, Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam.