Nhiều đơn vị BHXH áp dụng luật chưa phù hợp
Lí giải về việc thời gian qua có hơn 4.200 CHKDCT phải đóng BHXH bắt buộc từ năm 2003 đến tháng 9.2016, BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện quy định tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9.1.2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26.1.1995 của Chính phủ, BHXH các tỉnh, thành phố đã triển khai việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (trong đó có hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác).
Việc thực hiện đóng BHXH cho cá nhân trong hộ KDCT đã được chủ hộ chấp hành đúng quy định; tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, việc áp dụng pháp luật chưa phù hợp nên trong thời gian này nhiều BHXH tỉnh, thành phố, nhất là BHXH cấp huyện đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách BHXH đối với cả các CHKDCT vì cho rằng, chủ hộ là người trực tiếp làm việc, trực tiếp thực hiện các công việc sản xuất kinh doanh của hộ KDCT như NLĐ, thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có được khoản thu nhập, tiền lương và hiểu là HĐLĐ của CHKDCT với chính bản thân họ là HĐLĐ đúng, đủ để tham gia BHXH bắt buộc tương tự như cá nhân NLĐ khác làm việc tại hộ nên đã thực hiện thu BHXH bắt buộc của cả chủ hộ và NLĐ trong hộ KDCT.
Tiếp tục đề xuất phương án giải quyết
Đến năm 2016, sau khi phát hiện tại một số địa phương đã thực hiện thu BHXH đối với CHKDCT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH tất cả các địa phương trên toàn quốc khẩn trương rà soát, báo cáo việc thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với CHKDCT; sau đó, đã tổng hợp, kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Để đảm bảo quyền lợi cho các CHKDCT đã tham gia BHXH bắt buộc, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tính thời gian đã đóng BHXH đối với CHKDCT để giải quyết chế độ hưu trí đối với các trường hợp đủ điều kiện.
Và để có căn cứ giải quyết chế độ hưu trí đối với các trường hợp CHKDCT đủ điều kiện, BHXH Việt Nam nêu ra những lí do như sau:
Thứ nhất, CHKDCT vừa là NLĐ, vừa có nguyện vọng được tham gia BHXH nên thống nhất coi CHKDCT tự thỏa thuận HĐLĐ với chính bản thân, trong đó chủ hộ tự trả thu nhập, tiền lương cho mình để đóng BHXH như những NLĐ khác trong hộ. Việc giải quyết quyền lợi cho CHKDCT để được hưởng các chế độ chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí, BHYT khi hết tuổi lao động, nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững và tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, tránh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Thứ hai, theo mục tiêu và nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH về mở rộng, phát triển diện bao phủ BHXH về đối tượng tham gia và hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu; mở rộng CHKDCT và một số nhóm đối tượng khác thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Thứ ba, theo nguyên tắc đóng – hưởng quy định tại Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH; do đó, việc CHKDCT đã đóng BHXH thì được tính hưởng đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng…
Theo BHXH Việt Nam, các tỉnh có số CHKDCT tham gia BHXH bắt buộc lớn như Tuyên Quang (870 người), Hà Tĩnh (406 người), Thái Nguyên (380 người), Yên Bái (360 người), Hòa Bình (354 người), Nam Định (270 người), Nghệ An (201 người), Hà Nội (154 người), Hà Giang (143 người), Quảng Bình (100 người), Ninh Bình (99 người)…