Twitter co y dinh rut khoi dao luat chong thong tin sai lech cua EU hinh anh 1Biểu tượng Twitter tại trụ sở ở California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/5, một số nguồn tin châu Âu tiết lộ nền tảng mạng xã hội Twitter đã thông báo với Ủy ban châu Âu (EC) về ý định rút khỏi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) sắp có hiệu lực vào tháng 11 sắp tới, tuy nhiên công ty chưa đưa ra thông báo chính thức về quyết định của mình.

Đạo luật DSA là một quy tắc tự nguyện giữa Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 30 nền tảng mạng xã hội lớn và nhỏ. Được đề xuất vào năm 2018, DSA bắt buộc các nền tảng phải nỗ lực chống lại việc đưa thông tin sai lệch và giảm thiểu rủi ro từ vấn đề này.

Nếu không tuân thủ, các công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu. DSA đã được thông qua vào năm 2021 và có hiệu lực từ năm 2023.

DSA được chính những người trong ngành công nghệ thông tin hình thành và phát triển. Đạo luật bao gồm hơn 30 cam kết, trong đó có việc hợp tác tốt với những người kiểm tra và xác minh tính chính xác của thông tin, cũng như không khuyến khích các tác nhân phân phối thông tin sai lệch.

[Twitter liên tục bị sập trong lúc Thống đốc Florida thông báo tranh cử]

Kể từ khi mua lại Twitter vào bảy tháng trước, tỷ phú Elon Musk đã nới lỏng việc kiểm duyệt nội dung trên trang mạng xã hội. Điều này dường như đã khiến những thông tin sai lệch chưa được kiểm chứng gia tăng.

Một nguồn tin cho biết Twitter thích dựa vào người dùng hơn là những người xác minh thực tế. Những báo cáo thông tin sai lệch dựa trên các cam kết theo đạo luật của Twitter thường không đầy đủ.

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức EC cho biết tuy là đạo luật tự nguyện, nhưng vẫn đòi hỏi các ông lớn công nghệ tham gia phải tuân thủ nghiêm túc những cam kết. Quan chức này chia sẻ nếu tỷ phú Musk không coi trọng đạo luật này, tốt nhất Twitter nên rút khỏi DSA.

Phó Chủ tịch EC Vera Jourava cho biết vấn đề thông tin sai lệch trên Twitter ngày càng gia tăng, gây khó chịu cho một số người dùng. Bà cũng bày tỏ lo ngại về làn sóng sa thải của tỷ phú Musk khiến cho nền tảng này thiếu những nhân viên chuyên trách chống lại các thông tin độc hại./.

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)