Hoi dong Tu van Du lich de xuat giai phap thu hut khach quoc te hinh anh 1Du khách chụp ảnh trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo dự kiến, ngày 27/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật.

Liên quan tới dự thảo Luật này, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cơ bản nhất trí với các chính sách trong đề nghị xây dựng luật và có một số đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Chính sách cần phù hợp với thông lệ chung

Hội đồng Tư vấn Du lịch ủng hộ sửa đổi cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ (sửa Điều 19a); sửa đổi thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần (sửa Khoản 2, Điều 9).

Về miễn thị thực, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất quy định thời gian chương trình miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước được áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn 5 năm và được xem xét gia hạn tiếp tục trước thời điểm hết hạn ít nhất 6 tháng (sửa khoản 2, Điều 13) để các cơ quan, doanh nghiệp và đối tác có thể xây dựng kế hoạch dài hạn phù hợp nhằm khai thác và xúc tiến thị trường tốt hơn.

Mặt khác, để khuyến khích khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng cần nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày và có giá trị nhiều lần (sửa điểm c, khoản 1, Điều 31).

[Du lịch có cơ hội phục hồi mạnh mẽ dù đối mặt nhiều thách thức]

Đồng thời, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét bổ sung quy định miễn thị thực đơn phương 30 ngày cho khách du lịch tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như: du lịch golf, du lịch bằng máy bay chuyên cơ… hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia… (bổ sung khoản 1a, Điều 13).

Hiện nay, xu hướng ngày càng có nhiều khách lẻ, đi du lịch cá nhân. Việc yêu cầu khách du lịch phải có đơn xét duyệt nhân sự xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế làm phát sinh thêm dịch vụ visa, gây phiền toái cho khách du lịch quốc tế, nhất là khách lẻ, đi du lịch tự do. Điều này chưa phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

Do đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú 30 ngày và có giá trị một lần trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho cả khách lẻ đi du lịch tự do và khách du lịch đi theo đoàn (bổ sung vào khoản 1 và sửa đổi khoản 3, Điều 18).

Bổ sung cấp thị thực cho một số đối tượng người nước ngoài

Để thu hút người nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, người lao động kỹ thuật cao làm việc dài hạn trong ngành du lịch và người nước ngoài làm việc từ xa (khách du mục kỹ thuật số) vào Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất bổ sung thêm một loại thị thực.

Cụ thể, cần bổ sung thị thực cấp cho đối tượng là cá nhân nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, có thời hạn là 5 năm (sửa khoản 6, Điều 9); kéo dài thời hạn cho thị thực (LĐ2) từ không quá 2 năm lên 3 năm; bổ sung thêm loại thị thực dành cho người nước ngoài làm việc từ xa ở Việt Nam (LĐ3) có thời hạn 2 năm (bổ sung Điều 8, Điều 9).

Hoi dong Tu van Du lich de xuat giai phap thu hut khach quoc te hinh anh 2Du khách quốc tế ở Phố cổ Hội An. (Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, để loại bỏ hình thức làm dịch vụ visa trá hình nhằm thu lợi bất chính, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất cho phép cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy tư cách mời, bảo lãnh người nước ngoài, hủy tài khoản điện tử nếu cơ quan, tổ chức làm dịch vụ visa không thông báo rõ ràng cho khách du lịch quốc tế biết và thu phí dịch vụ cao hơn quy định (bổ sung vào khoản 2, Điều 45; khoản 2, Điều 14 và khoản 7, Điều 16b).

Để người nước ngoài và các cơ quan, tổ chức biết đầy đủ và kịp thời thông tin về yêu cầu nhập cảnh, cần bổ sung quy định cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm cung cấp thông tin rộng rãi và đầy đủ các quy định nhập cảnh đối với khách quốc tế (bổ sung Điều 47).

Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam đề xuất các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật và dễ tiếp cận về các quy định nhập cảnh (bổ sung Điều 48) để đảm bảo quyền lợi của người nước ngoài, dễ dàng tiếp cận thông tin về yêu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần áp dụng giải pháp công nghệ hỗ trợ kiểm soát an ninh tại các sân bay quốc tế để giảm ùn tắc và thời gian chờ đợi của hành khách làm thủ tục nhập xuất cảnh…

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch nêu rõ ngành du lịch đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trước dịch COVID-19 với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.

Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2022, du lịch Việt Nam đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, không đạt mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt. Năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á mở cửa trở lại nhưng du lịch Việt Nam lại có tốc độ phục hồi chậm hơn nhiều so với một số nước khác trong khu vực về số lượt khách quốc tế. Ngay trong năm 2022, các nước này đã đạt mức phục hồi cao hơn so với con số của năm 2019.

Vì thế, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng cần phải thực hiện nhiều hành động, trong đó có việc tạo thuận lợi về thủ tục xuất, nhập cảnh nhằm đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến ưa thích để du khách quốc tế lựa chọn./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)