Huyện đảo Lý Sơn khoảng 55% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp, với trên 300 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng hành, tỏi. Hơn một tháng nay giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn được giới bất động sản đẩy lên gấp vài mươi lần so với giá quy định của Nhà nước.
Nhiều cá nhân trong, ngoài tỉnh và một số người dân Lý Sơn mua đất nông nghiệp với mức giá giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2.
Với mức giá cao ngất ngưỡng này nhiều người dân ở Lý Sơn sẵn sàng bán đất nông nghiệp. Người dân không biết những người mua đất để làm gì, trong khi họ thấy giá cao nên sẵn sàng bán đất. Một người dân ở Lý Sơn cho biết: “Một tháng trở lại đây, thấy nhiều người đi mua đất. Vị trí đất không nằm ở mặt đường họ vẫn mua”.
Theo chính quyền địa phương, tình trạng chuyển nhượng mua, bán đất nông nghiệp ở Lý Sơn diễn ra rầm rộ từ sau khi tỉnh công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045, trong đó có huyện Lý Sơn.
Hầu hết các trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp của người dân đều không qua chính quyền mà tự thỏa thuận giao dịch qua các Văn phòng công chứng trong đất liền. Thậm chí các đối tượng môi giới còn tung tin không chính xác về quy hoạch, các dự án đầu tư vào Lý Sơn để lôi kéo người mua.
Trước thực trạng này, huyện Lý Sơn đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện và chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm tình hình chấn chỉnh tình trạng này.
Bà Phạm Thị Hương – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: “Trong thời gian vừa qua khi công bố quy hoạch khu kinh tế Dung Quất, tình hình mua bán đất ở Lý Sơn sôi động, giá đất ở Lý Sơn có sự thay đổi rất lớn, riêng giá đất nông nghiệp tăng cao.
Thị trường bất động sản ở Lý Sơn có những cái không ổn định, thời gian gần đây giới bất động sản ở đất liền ra Lý Sơn để mua đất. Huyện khuyến cáo người dân không bán đất nông nghiệp vì sẽ mất tư liệu sản xuất, dẫn đến mất nguồn sinh kế. Huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tuyệt đối không làm giao dịch, chuyển nhượng, nhất là biến động về đất đai trên địa bàn huyện”.
Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, chính quyền huyện đảo đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt là kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những cá nhân ngoài huyện đảo.
Việc giá đất nông nghiệp bị thổi lên quá cao không chỉ gây khó khăn cho chính quyền huyện Lý Sơn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án mà về lâu dài, người dân bán đất sẽ rơi vào thế khó khi không còn đất nông nghiệp để sản xuất.