120 m đường vướng mắc suốt 7 năm
Dự án đường nối từ đường cứu nạn cứu hộ đến Quốc lộ 1A (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) do Sở GTVT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí hơn 270 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2016 đến ngày 31.12.2023. Chiều dài toàn tuyến 8,3 km, bề rộng nền đường 12 m, mặt đường rộng 7 m.
Đến nay, dự án đã thi công được hơn 8,1 km, còn 120 m đoạn qua thị trấn Hà Lam chưa bàn giao vì hộ bà Bùi Thị Nuôi chưa đồng thuận với chính sách đền bù giải tỏa, khiến đoạn tuyến vướng mắc dỡ dang suốt 7 năm qua.
Ghi nhận thực tế của Báo Lao Động, do vướng mặt bằng nên đơn vị thi công chỉ mới san ủi, đổ đất đá, nhiều ổ gà lồi lõm, hiện trạng đoạn đường chưa được khớp nối rất ngổn ngang. Dù đã cắm biển báo nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều phương tiện lưu thông qua đây.
“Do đường nhỏ, nhiều đoạn uốn khúc, nham nhở mà bụi bặm mù trời nên một tuần ít nhất xảy ra hai vụ va chạm giao thông. Chúng tôi hi vọng chính quyền sớm tháo gỡ vưỡng mắc, để thi công hoàn thành con đường” – ông Nguyễn Văn Quốc (56 tuổi, trú thị trấn Hà Lam) cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, vị trí ngã ba cây Cốc, qua thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình là nút giao thông quan trọng giữa QL 1A và QL 14E, từ Thăng Bình đi Nông Sơn, Hiệp Đức (Quảng Nam) và Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Nhiều năm qua, giao lộ này chưa thể mở rộng, khớp nối, khiến người và phương tiện giao thông ùn tắc, rất nguy hiểm.
Vẫn chờ hướng dẫn của tỉnh
Theo UBND huyện Thăng Bình, hộ bà Nuôi bị thu hồi 997,65 m2 đất ở đô thị để phục vụ dự án, được bồi thường, hỗ trợ hơn 8,7 tỉ đồng và 1 lô đất tái định cư.
Tuy nhiên, bà Nuôi chưa đồng thuận và ủy quyền luật sư tiếp tục gửi đơn khiếu nại với lí do diện tích bồi thường chưa đủ, giá thấp, yêu cầu bố trí thêm lô tái định cư, tính thêm nhân khẩu… nên kéo dài thời gian giải quyết đơn thư.
Bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình – cho biết, phần diện tích đất ở còn lại (ngoài vệt GPMB của dự án này) của hộ bà Nuôi là 493,35m2. Tuy nhiên, phần diện tích này tiếp tục vướng đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đến năm 2030, nên không đảm bảo để xây dựng nhà ở.
Theo Quyết định 42 năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam: “Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để làm nhà ở, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác thì được bồi thường bằng đất ở theo hình thức giao đất ở tại các khu tái định cư hoặc các vị trí xen cư”.
Ngoài ra, huyện Thăng Bình cho biết, do dự án kéo dài nên nhiều người trong gia đình bà Nuôi di chuyển tạm trú tại TP Đà Nẵng. Vì vậy, địa phương rất khó khăn trong việc xác nhận cặp vợ chồng thứ 2 trở lên thực tế cùng chung sống trên thửa đất ở thu hồi, để thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho hộ dân.
Để giải quyết vụ việc đúng theo quy định, UBND huyện đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh để xem xét hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết – bà Nhi cho hay.
Về phía BQL dự án các công trình giao thông tỉnh, đại diện chủ đầu tư, quản lí dự án cho biết: “Đối với trường hợp bà Nuôi, ban đang phối hợp với huyện để tiếp tục thuyết phục, vận động. Việc người dân phản ánh xuất hiện đoạn đường thường xảy ra tai nạn chúng tôi sẽ kiểm tra, lắp đặt các biển cảnh báo tốc độ và nguy hiểm. Nếu có mặt bằng, đoạn đường này chỉ thi công khoảng 2 tháng là hoàn thành”.