Brazil xay dung cong trinh phun khi CO2 vao rung nhiet doi Amazon hinh anh 1 Một tòa tháp nhôm cao bằng tòa nhà 12 tầng. (Nguồn: Reuters)

Sâu trong rừng rậm Amazon, Brazil đang xây dựng một công trình với phong cách kiến trúc “vô thực,” gồm tổ hợp các tòa tháp xếp thành 6 vòng tròn phục vụ việc phun khí CO2 vào khu rừng nhiệt đới.

Tuy nhiên, lý do xây dựng công trình trên hoàn toàn thực tế, nhằm hiểu rõ hơn về cách thức “lá phổi xanh” lớn nhất thế giới này phản ứng với biến đổi khí hậu.

Kiến trúc trên với tên gọi AmazonFACE, một dự án nhằm nghiên cứu năng lực nổi trội của rừng Amazon trong hấp thụ CO2, mảnh ghép thiết yếu để giải bài toán về biến đổi khí hậu.

Điều này sẽ giúp các nhà khoa học xác định có khả năng xảy ra điểm tới hạn đối với Amazon – trạng thái khiến khu rừng này không thể hấp thụ thêm CO2 và bị suy thoái, hay không. Nếu trạng thái này xảy ra, khu rừng đa dạng sinh học nhất thế giới này sẽ biến thành một cảnh quan giống như thảo nguyên khô hạn.

Dự án trên nằm cách thành phố Manaus của Brazil 70km về phía Bắc, do Viện Nghiên cứu Amazon Quốc gia của nước này – một cơ quan liên bang, phụ trách.

Dự án nhận được cam kết tài trợ 9 triệu USD từ Chính phủ Anh và dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ vào giữa năm 2024. Việc xây 2 tổ hợp kiến trúc vòng tròn đầu tiên của dự án trên đang được tiến hành và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 8. Mỗi vòng tròn sẽ bao gồm 16 tháp nhôm cao bằng tòa nhà 12 tầng, khí CO2 sẽ được 3 công ty cung cấp.

FACE là phương pháp làm giàu khí CO2 cho không khí tự nhiên. Công nghệ này do Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven của Mỹ phát triển đầu tiên, có khả năng tăng hàm lượng khí CO2 ở môi trường xung quanh cây trồng lên mức đậm đặc tương tự trạng thái ô nhiễm không khí được dự báo trong tương lai.

[Mỹ nhấn mạnh bảo tồn rừng Amazon để đạt mục tiêu khí hậu toàn cầu]

Giáo sư David Lapola của Đại học bang Campinas (Brazil), một trong những nhà khoa học đứng đầu dự án, cho biết thực vật hấp thụ CO2 cùng với nước và ánh sáng để tạo ra đường và giải phóng ôxy. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra khi nồng độ CO2 tăng.

Dù đã có bằng chứng từ các thí nghiệm tương tự tại các khu rừng ôn đới, song ông Lapola nhấn mạnh không có gì đảm bảo rằng rừng Amazon cũng có phản ứng tương tự.

Theo Giáo sư, nhiều khả năng điểm tới hạn của rừng nhiệt đới Amazon gắn với biến đổi khí hậu hơn là tốc độ phá rừng. Do đó, điều quan trọng là phải nghiên cứu tác động của nồng độ CO2 cao hơn trong rừng để hiểu những thách thức ở tương lai.

Quan điểm trên có phần mâu thuẫn với nghiên cứu được thừa nhận rộng rãi của nhà khoa học hệ thống Trái Đất Carlos Nobre. Nhà khoa học này cho rằng nếu nạn phá rừng đạt đến ngưỡng quan trọng từ 20-25% trên khắp Amazon thì sự cân bằng về lượng mưa trong khu vực sẽ bị phá vỡ, biến rừng nhiệt đới tươi tốt thành thảo nguyên khô cằn.

Tuy nhiên, Giáo sư Lapola nhận định: “Ngay cả khi chúng ta ngăn chặn nạn phá rừng ở lưu vực sông Amazon ngay hôm nay, rừng vẫn có nguy cơ phải hứng chịu hậu quả của điểm tới hạn do biến đổi khí hậu.”

Ông cho biết thêm: “Mặc dù ngăn chặn nạn phá rừng vẫn là trách nhiệm chính của con người, song việc chống lại biến đổi khí hậu do các yếu tố khí quyển gây ra không phải là điều mà Brazil hay các quốc gia vùng Amazon khác có thể giải quyết một mình.”

Nhà hóa học khí quyển Luciana Gatti đã hoan nghênh sáng kiến trên. Ông cũng gợi ý cần nhân rộng dự án trên ra 4 góc rừng Amazon, do năng lực hấp thụ khí CO2 có sự khác biệt giữa các khu vực của khu rừng có diện tích gấp đôi diện tích Ấn Độ này.

Nhà khoa học Gatti là đồng tác giả một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature, trong đó xác định khu vực phía Đông của rừng Amazon không còn là một bể chứa carbon và hấp thụ loại chất này cho Trái Đất mà đã trở thành một nguồn phát sinh carbon./.

Đức Trung (TTXVN/Vietnam+)