Cần sử dụng hiệu quả, không nên để tồn đọng
Chia sẻ với Lao Động bên hành lang Quốc hội sáng 26.5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đã có những phân tích về việc nghẽn giải ngân đầu tư công và số tiền 1 triệu tỉ đồng đang gửi ngân hàng. Ông Ngân cho biết, vấn đề giải ngân đầu tư công đã tồn tại, trầm kha nhiều năm. Tỉ lệ giải ngân thông thường các năm đạt từ 70-80%, riêng trong năm 2020 đạt hơn 90%.
Với giải ngân đầu tư công, kế hoạch đưa ra thường rất lớn nhưng lại tùy vào khả năng hấp thụ của thị trường, tùy giai đoạn và tiến trình thực hiện giải ngân. Ông lấy ví dụ tại TPHCM, quý 1 giải ngân đầu tư công có 1.600 tỉ đồng nhưng sang tháng 4, tháng 5 tăng lên trên 8.800 tỉ đồng. Như vậy để thấy giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào công đoạn của quá trình triển khai dự án, nhất là quá trình giải phóng mặt bằng.
“Giải phóng mặt bằng thì vấn đề thu hồi đất là cả một quy trình và điểm rơi là sau từ 3-6 tháng mới ra được quyết định thu hồi và đền bù thỏa đáng cho người dân. Nói như vậy để thấy, đừng nhìn số liệu 3 tháng đầu mới được vài % mà đánh giá”, ông Ngân nói và lưu ý những công trình đang đầu tư mà dở dang mới lãng phí.
Ông dẫn chứng dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia nhưng bị vướng đủ thứ gây lãng phí nguồn lực.
Vị đại biểu Quốc hội cho biết, nợ công của nước ta đang giảm cả số tương đối và số tuyệt đối. Bởi lẽ tiền đầu tư công không phải tiền có sẵn, không phải tiền dư mà chính là tiền đi vay. Như vậy nếu không đầu tư thì sẽ không vay, nếu không vay thì tất nhiên nợ công sẽ giảm.
Với các quỹ trong ngân sách thì cần được sử dụng hiệu quả, không nên để tồn đọng. “Cần sử dụng các chính sách một cách linh hoạt nhất, tránh hiện tượng bên tay trái đi vay, bên tay phải có tiền không dám sử dụng. Phải sử dụng một cách hiệu quả, có sự điều tiết, vai trò đó thuộc về Chính phủ”, ông Ngân nói.
Với 1 triệu tỉ đồng gửi ngân hàng, ông Ngân cho biết phụ thuộc vào khả năng điều hành của Chính phủ. Nếu trong trường hợp chúng ta có tiền nhưng không giải ngân được thì sẽ phải trả nợ để giảm chi phí trả lãi, vấn đề ở đây là sử dụng hiệu quả đồng tiền. Đây là một nghệ thuật trong quản lý, trong điều hành.
Ông Ngân cho biết, nhìn hình ảnh Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng lăn xả trên các công trình dự án cho thấy sự quyết tâm để thúc đẩy tiến độ nhanh hơn.
Quan trọng hơn là cần rà soát những gì đang là rào cản, gây vướng mắc. Suy cho cùng, đây là những quy định do chúng ta đưa ra, tự ghè chân, cản trở mình là lỗi của chúng ta. Cần rà soát để Chính phủ và Quốc hội cùng tháo gỡ, năng động hơn.
Kinh tế mất đi động lực trong khi chúng ta vẫn phải đi vay
Đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, hơn 1 triệu tỉ đồng đang dư chủ yếu ở một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách tiền lương 200.000 tỉ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản và một số khoản nhiệm vụ chi chuyển nguồn để tránh cắt khúc trong các khoản chi thường xuyên.
Theo đại biểu, tồn đọng hơn một triệu tỉ đồng trong ngân quỹ là lãng phí, và chậm đưa vào khiến kinh tế mất đi động lực trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỉ đồng. Việc này cho thấy sự kém hiệu quả trong sử dụng đồng tiền.
Ông cho rằng, có tiền không tiêu được không hẳn do chính sách vướng, chủ yếu do thực thi dẫn tới tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi chờ sửa luật, các thủ tục thực thi từ phía bộ, ngành cần được đơn giản hóa với quy trình rút ngắn hơn như các bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán.
Cùng đó, cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm cơ chế đặc thù tại một số địa phương, như cho phép chỉ định thầu, hoặc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để đẩy nhanh việc thực hiện.
“Sốt ruột nhưng chúng ta cũng phải làm từng bước chặt chẽ, hiệu quả. Không đẩy tiền ra bằng mọi giá mà cần hiệu quả. Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan, thay vào đó cần thận trọng để tránh nảy sinh thất thoát, lãng phí” – ông nói.
Trước đó, ngày 25.5, thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao. Tính đến giữa tháng 5.2023 đã vượt 1 triệu tỉ đồng. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.