Mới đây, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung thêm các đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bao gồm nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư.
Điểm mới của dự thảo lần này là đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” bên cạnh “nghệ sĩ biểu diễn”.
Góp ý riêng lĩnh vực nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất các thành phần được xét danh hiệu gồm: nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Trước đề xuất, dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Không ít người tranh luận gay gắt về việc có nên bổ sung xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh hay không.
Một số ý kiến cho rằng lĩnh vực nhiếp ảnh đã có hệ thống giải thưởng quốc gia và quốc tế riêng. Trong nước, đã có giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh ở mức tôn vinh cao nhất. Còn trên thế giới, các cuộc thi của Nikon, IPA, WPP… và nhiều cuộc thi ảnh lớn nhỏ được tổ chức thường niên.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long đưa quan điểm: “Rất khó để quy đổi các giải thưởng, thành tích thành tiêu chí để xét tặng danh hiệu. Bởi lẽ, các giải thưởng trong nước vẫn còn tồn tại tiêu cực, thì giải thưởng quốc tế lại càng khó kiểm định, xác minh.
Đúng là hiện tại, lĩnh vực nhiếp ảnh có nhiều giải thưởng. Thậm chí một số người có tác phẩm ảnh không thật sự xuất sắc nhưng vẫn nhận được giải thưởng lớn”.
Theo nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long, “Tôi nghĩ, hiện nay có không ít nhiếp ảnh gia hám danh. Họ gửi ảnh đến những câu lạc bộ ở nước ngoài có khi chỉ có mấy chục thành viên, chỉ cần tham gia đóng phí đầy đủ là có giải. Thậm chí, có người sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để có cả trăm giải thưởng chỉ trong 1 năm”.
Anh nói thêm, bản thân anh và một số đồng nghiệp không đồng tình với đề xuất xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nhiệm cũng có quan điểm tương tự. Trao đổi với phóng viên Lao Động, Hoàng Nhiệm chia sẻ nếu NSND, NSƯT cần được công chúng công nhận thì trong lĩnh vực nhiếp ảnh, không thể phân định rõ ràng “công chúng”.
“Những tác phẩm phải được công chúng công nhận. Nhưng công chúng ở đây là ai, công chúng là hệ thống các nhà quản lý, là giới chuyên môn phê bình về nghệ thuật thị giác hay là người dân. Khó có thể định nghĩa “công chúng”, người nào “nặng” hơn để đánh giá tác phẩm.
Hiện tại, nhiếp ảnh ở Việt Nam hoạt động theo kiểu phong trào. Vì vậy tôi nghĩ người sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh chưa đạt được đến tầm được xét tặng danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT. Bản thân tôi thấy danh hiệu này chưa phù hợp”, nhiếp ảnh gia Hoàng Nhiệm bày tỏ.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Nhiệm cũng nêu thực trạng nhiều giải nhiếp ảnh quốc tế còn… dễ đạt được hơn các cuộc thi, giải thưởng trong nước. Đôi khi, nhiếp ảnh gia đạt giải quốc tế cũng ít được biết đến, quan tâm.
6 hội khác là Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mĩ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh Việt Nam đều từ chối đề xuất đối tượng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.