WHO đặt mục tiêu đến tháng 5.2024, hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý này sẽ được 194 nước thành viên thông qua.
Hiệp ước mới này là ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, gọi đó là “cam kết thế hệ rằng chúng ta sẽ không quay trở lại chu kì hoảng loạn và bỏ mặc cũ” tại cuộc họp thường niên của WHO.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang tìm cách củng cố hệ thống phòng thủ của thế giới chống lại các mầm bệnh mới sau đại dịch COVID-19 giết chết gần 7 triệu người.
Theo Reuters, WHO đã có các quy tắc ràng buộc được gọi là Quy định Y tế Quốc tế năm 2005, đặt ra nghĩa vụ với các quốc gia nơi các sự kiện y tế công cộng có khả năng lây lan xuyên biên giới.
Quy tắc này bao gồm thông báo cho WHO ngay lập tức tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và các biện pháp về thương mại và du lịch.
Được thông qua sau đợt bùng phát dịch SARS 2002-2003, các quy định này được coi là phù hợp với các dịch bệnh khu vực như Ebola nhưng không phù hợp với đại dịch toàn cầu. Các quy định cũng đang được xem xét lại sau đại dịch COVID-19.
Với hiệp ước mới có phạm vi rộng hơn, các quốc gia thành viên đã đồng ý rằng, hiệp ước này phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với những nước kí kết.
Đây là hiệp ước về sức khỏe thứ hai sau Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá năm 2003, nhằm giảm hút thuốc thông qua thuế và các quy tắc về dán nhãn và quảng cáo.
Tuy nhiên, hiệp ước mới đã vấp phải chỉ trích trên mạng xã hội, chủ yếu là từ các nhà phê bình cánh hữu, cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến việc các quốc gia phải nhường quyền cho WHO.
Tổ chức Y tế Thế giới bác bỏ mạnh mẽ điều này, nhấn mạnh rằng các chính phủ đang dẫn đầu các cuộc đàm phán và được tự do từ chối hiệp ước.
EU, bên đề xuất hiệp ước, được coi là người ủng hộ lớn nhất. Các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, rất muốn sử dụng các cuộc đàm phán để đảm bảo quyền tiếp cận với vaccine sau những cáo buộc về “phân biệt chủng tộc trong vaccine” của ông Tedros.
Sau 5 vòng đàm phán chính thức, bản dự thảo mới nhất dài 208 trang của hiệp ước bao gồm hàng nghìn đánh dấu những điểm bất đồng hoặc ngôn từ chưa thống nhất, bao gồm cả về định nghĩa của từ “đại dịch”. Với rất nhiều quốc gia thành viên tham gia, việc đảm bảo hiệp ước có thể khó khăn.
Vẫn chưa rõ làm thế nào các quy định năm 2005 và hiệp ước đại dịch mới có thể phù hợp với nhau.
Một gợi ý là chúng nên bổ sung cho nhau, vì vậy các quy tắc hiện có áp dụng cho các đợt bùng phát cục bộ, trong khi các quy tắc mới sẽ có hiệu lực nếu WHO tuyên bố đại dịch – điều mà hiện tại tổ chức này không có nhiệm vụ phải thực hiện.
Cũng chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp không được tuân thủ. Một đồng chủ tịch của các cuộc đàm phán cho biết sẽ tốt hơn nếu có một quy trình đánh giá ngang hàng, hơn là trừng phạt các quốc gia không tuân thủ.
Các cuộc đàm phán riêng biệt về cải cách các quy tắc năm 2005 đang diễn ra, trong đó các quốc gia đề xuất khoảng 300 sửa đổi.
Các đề xuất ban đầu của Washington nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch và cấp cho WHO quyền truy cập nhanh hơn vào các địa điểm bùng phát.
Trung Quốc đã cho phép các nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đến thăm tâm chấn COVID-19 ở Vũ Hán, nhưng WHO cho biết, việc Bắc Kinh giữ lại dữ liệu lâm sàng từ các trường hợp ban đầu có thể nắm giữ manh mối về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Các nhà đàm phán cũng phàn nàn về sự chồng chéo giữa hai nhóm đàm phán và yêu cầu một cuộc họp chung để làm rõ chương trình nghị sự đã được lên kế hoạch.