Sau một ngày xét xử nghị án, tối muộn 23.5, TAND Cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Vi Văn Phượng 55 tuổi, trú huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về tội “Giết người“.
Tòa đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo rất nghiêm trọng, nạn nhân là mẹ đẻ, việc áp dụng hình phạt tử hình là không cần thiết.
Tòa tuyên bị cáo Phượng phạm tội “Giết người”, song giảm từ tử hình xuống tù chung thân.
HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá, cơ quan điều tra tố tụng, cơ bản thực hiện đúng quy định, dù có sai sót song không nghiêm trọng, “không thay đổi bản chất vụ án”.
Hai lý do cơ bản dẫn đến bản án có tội cho bị cáo Phượng, theo diễn giải của tòa, bị cáo đã khai nhận nhiều lần, khai với nhiều người, ngoài điều tra viên, còn có kiểm sát viên, luật sư….
Các lời khai cơ bản thống nhất, dù có một số mâu thuẫn, HĐXX đánh giá. Lý do bức cung, bị đánh đập Phượng nêu ra, song điều tra viên phủ nhận và bị cáo cũng không đưa ra được bằng chứng gì.
Về bản án chung thân, tòa nêu Phượng là người dân tộc thiểu số, nhân thân tốt, nhiều năm nuôi mẹ mù lòa bệnh yếu.
“Trên khía cạnh nhân đạo và tình mẫu tử, việc tuyên bản án tử hình chỉ gây thêm đau thương cho gia đình”, Chủ tọa Ngô Tự Học phân tích.
Cấp phúc thẩm tái khẳng định, bản án sơ thẩm xét xử đúng người đúng tội, song không cần tuyên mức án cao nhất. Dù ông Phượng kháng cáo kêu oan, bị bác, nhưng HĐXX quyết định giảm xuống tù chung thân do phía bị hại, đại diện là con nạn nhân, tức anh trai bị cáo, có ý kiến xin giảm nhẹ.
Do vụ án kéo dài, phức tập, nhiều chứng cứ tranh luận, HĐXX cho hay chỉ nêu những nhận định chính, sau đó sẽ có bản án phân tích, giải đáp chi tiết từng ý kiến của luật sư và đại diện Viện Kiểm sát cấp phúc thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, gia đình ông Phượng sống cùng mẹ Nguyễn Thị Vui tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng vay mẹ đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ để lo cho con đi xuất khẩu lao động.
Năm 2011, khi con trai về, vợ ông Phượng tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Tháng 9.2012, con dâu bắt đầu gửi tiền về. Đầu tháng 10.2012, ông Phượng trả vàng nhưng mẹ nghi ngờ hàng giả. Hai người to tiếng. Hôm sau, khi đi làm thuê về lúc trưa, người con đã cầm dao đoạt mạng mẹ đang nằm trên giường, bản án nêu.
Hai lần xét xử sơ và phúc thẩm năm 2013, bị kết án tử hình về tội Giết người, ông Phượng đều kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Ba năm sau, ngày 30.8.2016, Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Kết quả điều tra cuối năm 2016 chỉ ra 7 thiếu sót, mâu thuẫn cần điều tra lại. Bao gồm: thời gian gây án của bị cáo và thời gian chết của bà Vui còn mâu thuẫn; vết máu ở hiện trường chưa được làm rõ; chiếc áo phông dính máu nạn nhân thu tại hiện trường chưa chắc là chiếc áo ông Phượng mặc hôm đó; động cơ giết người cần điều tra lại…