Hàng chục hộ dân tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, có nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, đất canh tác nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió đang ngóng chờ từng ngày được bồi thường, hỗ trợ để yên tâm sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, hàng chục hộ dân xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai liên tục có đơn phản ánh Công ty cổ phần đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Ia Le 1) thi công trụ điện gió không đảm bảo an toàn về khoảng cách (khoảng cách an toàn từ trụ điện gió tới khu dân cư 300m); chưa giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân có đất nằm trong hành lang an toàn công trình điện gió.
Chị Trần Thị Hồng, thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh phản ánh trụ điện gió của Nhà máy Điện gió Ia Le 1 cách nhà chị gần 70m. Hiện nhà chị có gần 3ha nhà ở, chuồng dê, chuồng bò và đất sản xuất bị ảnh hưởng bởi trụ điện gió. Mùa mưa, nước theo cánh quạt dội thẳng vào nhà khiến cho căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, gia đình chị có 6 người đang sinh sống tại đây.
Phía nhà máy điện gió dự kiến hỗ trợ hơn 150 triệu đồng nhưng gia đình chị Hồng không chấp nhận vì số tiền này không đủ chi phí di dời đi nơi khác.
[Lâm Đồng cho phép điều chỉnh dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất]
Theo quy định của Bộ Công Thương tại khoản 2 Điều 2, Thông tư 02/2019/TT-BCT, công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Tuy nhiên, hiện Bộ Công Thương chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi 300m dưới chân điện gió. Điều này dẫn tới việc chủ đầu tư 16 dự án điện gió được thi công năm 2021 tại tỉnh Gia Lai đều thực hiện mức bồi thường chỉ bằng 10% định mức bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 10 Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Bà Phan Thị Minh Phượng, người dân có nhà và công trình thuộc diện bồi thường tại dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1, cho rằng mức bồi thường 10% như vậy là không thỏa đáng. Theo bà Phượng, diện tích nhà bà là 180m2, chuồng dê là hơn 540m2. Mức hỗ trợ là 190 triệu đồng thì không đủ cho gia đình di dời đi chỗ khác.
Nhà máy Điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW gồm 28 trụ điện gió, trạm nâng áp, đường giao thông nội bộ, khu nhà quản lý… Đến nay, nhà máy đã có 14 trụ điện gió quay, phát điện.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Ia Le, đến cuối năm 2022, toàn xã có 37 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhà máy điện gió (nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió). Theo rà soát mới đây, cơ quan chức năng xác định có thêm 9 hộ dân bị ảnh hưởng và đang tiếp tục rà soát để có phương án bồi thường, hỗ trợ.
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Le, cho biết khu vực các hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Điện gió Ia Le 1 trước đây là nhà phụ của người dân. Khi cây hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều người lâm cảnh nợ nần, nhà cửa bị kê biên nên phải vào khu sản xuất sinh sống.
Địa phương đã có nhiều giải pháp tuyên truyền để tránh việc người dân bức xúc, dẫn đến gây ra điểm nóng an ninh chính trị. Tuy nhiên, để hài hòa đôi bên, Công ty Điện gió Ia Le 1 cần có hướng thỏa thuận phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Pưh thông tin thêm, chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Ia Le 1 đã có cam kết sẵn sàng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại là bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể mức giá bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió, hạn chế sử dụng đất như thế nào thì được hỗ trợ… Do đó, chủ đầu tư chưa có cơ sở để thỏa thuận với người dân.
Ông Tứ cũng đề nghị các hộ dân bình tĩnh, tránh gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Sau khi có hướng dẫn hỗ trợ thiệt hại từ cấp trên, địa phương sẽ tích cực phối hợp với công ty thực hiện bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Bức xúc vì quyền lợi chưa được đảm bảo, các hộ dân ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh đã nhiều lần gửi đơn thư, khiếu nại. Tiếp nhận ý kiến nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị tới Chính phủ; đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị với Quốc hội.
Giữa tháng 4/2023, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai có cuộc đối thoại với người dân xã Ia Le. Dự kiến cuối tháng 5/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cùng các ngành của tỉnh sẽ có cuộc làm việc với doanh nghiệp, nhằm tìm biện pháp giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Tại đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế cam kết sẽ làm hết trách nhiệm với các hộ dân. Đồng thời, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan thẩm quyền Trung ương, lãnh đạo tỉnh đề nghị các hộ dân hạn chế đi lại lên tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng đến công việc và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công ty cổ phần đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đánh giá công ty đề xuất hỗ trợ 10% là chưa thỏa đáng. Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị công ty phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, đánh giá, tính toán nâng mức hỗ trợ vật kiến trúc và tài sản trên đất của một số hộ dân sinh sống trong phạm vi hành lang an toàn trụ tháp gió; hỗ trợ di dời đến nơi ở khác trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, ông Quế cũng đề nghị phía Công ty cổ phần đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 sớm triển khai xây dựng hệ thống tiêu âm xung quanh các trụ điện gió nhằm hạn chế tiếng ồn, giảm thiểu tác động đến đời sống, sức khỏe và sinh hoạt của các hộ dân./.