Thế giới dự báo thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo quý 2.2023 của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực do nhu cầu của thế giới đang tăng cao, đặc biệt là do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị, nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, trong khi sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ xuống còn 509,4 triệu tấn, giảm 4,4 triệu tấn so với niên vụ trước; trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo tăng 0,9 triệu tấn lên mức kỷ lục 520 triệu tấn trong năm nay.
Phân tích của Ngân hàng Fitch Solutions (Tổ chức xếp hạng thống kê lớn của Mỹ) cũng chỉ rõ, nguồn cung gạo toàn cầu đang rất thấp do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, biến đổi khí hậu…, dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 -2023.
Báo cáo của Fitch Solutions nêu rõ “Sản lượng gạo đang giảm ở khắp nơi từ Trung Quốc, Pakistan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), tạo gánh nặng về giá cho hơn 3,5 tỉ người tiêu thụ trên toàn cầu. Châu Á – Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng lớn nhất vì là nơi tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới”.
Sự thiếu hụt lúa gạo trên toàn cầu, trong khi sản lượng lúa gạo trong nước ổn định chính là cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines, quốc gia này đang có kế hoạch nhập khẩu hơn 330.000 tấn gạo để bổ sung vào kho dự trữ lương thực của đất nước để đề phòng thiên tai. Số liệu của Cục Thống kê Philippines (PSA) cho thấy, tổng lượng gạo tồn kho của quốc gia này đang giảm mạnh và Philippines đang đẩy mạnh mua vào. Được biết, ngay từ hồi đầu tháng 2.2023, lượng tồn kho đã giảm 17,7% so với 1 tháng trước đó.
Tại thị trường Indonesia, nếu như cả năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 58 triệu USD thì trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 149 triệu USD, tăng đột biến gần gấp 3 lần – tăng trên 256% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, khu vực Nam Á đang chuẩn bị cho các đợt gió mùa bắt đầu chậm vào tháng tới và mưa thất thường từ tháng 6 đến tháng 9, có thể kéo dài đợt nắng nóng làm ảnh hưởng đến sản lượng gạo tại Ấn Độ – quốc gia cung cấp gạo hàng đầu thế giới.
Không riêng Ấn Độ, sản lượng từ các nước sản xuất gạo khác như Myanmar, Pakistan dự báo cũng sẽ thấp hơn trong năm nay.
Nguồn cung của thế giới giảm trong khi nhu cầu toàn cầu tăng cao chính là cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng để xuất khẩu hiệu quả hơn mặt hàng chiến lược này của ngành nông nghiệp.
Giá lúa gạo tăng lạc quan
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 490 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước, nhưng đây là mức giá khá lạc quan.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong tháng 4.2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, được chào bán ở mức 495-500 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với tháng 3.2023.
Giá gạo của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới tăng đã tạo hiệu ứng lạc quan cho giá lúa gạo trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Dương Vũ Rice – cho hay, dù nhu cầu của thị trường rất lớn, nhưng hiện tại nguồn cung trong nước đang cạn dần do các thương lái và doanh nghiệp đẩy mạnh thu gom.
Tại thị trường trong nước, giá lúa vẫn ổn định. Trong đó, lúa OM 5451 có giá 6.400-6.500 đồng/kg; Nàng Hoa 8 có giá 6.600-6.800 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 được thu mua ở mức 6.800-7.000 đồng/kg; lúa OM 18 dao động quanh mức 6.600- 6.800 đồng; lúa IR 504 có giá 6.200-6.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg…
Theo USDA, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2024, giảm 400.000 tấn so với năm 2023, chủ yếu do nhu cầu giảm mạnh từ Indonesia. Trong khi Philippines và Trung Quốc chiếm tổng 60% xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ mua một lượng lớn trong năm tới. Ngoài ra, nhu cầu từ khu vực Châu Phi cận Saharan cũng tăng lên.