Mới đây, một học sinh và phụ huynh trường tư thục ở Hà Nội đã bị tử vong khi tham gia trải nghiệm bắt ngao ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định).
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Nam Từ Liêm cho biết, nguyên nhân dẫn đến đuối nước do nước thuỷ triều dâng lên. Cụ thể, nơi đoàn học sinh trải nghiệm là bãi cát non nên khi nước dâng lên, thay đổi dòng chảy, nhiều học sinh bị sụt và bị nước cuốn đi.
Những người trên tàu đã ném áo phao xuống để phụ huynh cứu các học sinh. Một phụ huynh của lớp – trưởng đoàn đã bơi ra để cứu 1 em học sinh nam nhưng không cứu được, cả hai bị nước cuốn đi. Phòng GDĐT Nam Từ Liêm đang làm việc với trường và kịp thời động viên gia đình nạn nhân.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết, chính quyền đã tạm dừng hoạt động tham quan tại Vườn quốc gia Xuân Thủy sau vụ việc phụ huynh và học sinh tử vong. Khi nào có quyết định của UBND huyện, vườn quốc gia sẽ mở cửa trở lại.
Theo ông Mạnh, đa phần các đoàn khách đến đây tự liên hệ với chủ tàu, thuyền cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm, không thông báo ban quản lý. Khách du lịch thường tìm kiếm thông tin trên mạng, liên hệ và ký hợp đồng với họ.
Sau vụ việc đáng tiếc trên, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đã đề nghị các trường, Phòng GDĐT các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Trong đó, tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.
Các cơ sở giáo dục tham mưu với các cấp lãnh đạo kiểm tra vấn đề an toàn trong các trường học.
Thực tế, đây không phải là tai nạn duy nhất liên quan đến các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại.
Trước đó, ngày 28.3, Trường tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi tham quan dã ngoại. Sau khi đi về, khoảng 56 cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và phải nhập viện. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng về độ an toàn và năng lực quản lí của các nhà trường trong việc tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại.
Là phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường, chị Nguyễn Vân Anh (Thanh Hoá) cho rằng, việc các trường tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa có nhiều ý nghĩa tích cực. Các con được vận động và thắt chặt tình thầy trò, bạn bè, phát triển tư duy, năng lực và kĩ năng sống.
Tuy nhiên, theo chị Vân Anh, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần được nhà trường giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
“Nên tránh các vùng biển hay núi vì tiềm ẩn nguy hiểm. Địa điểm của các buổi tham quan, dã ngoại nên phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, chúng tôi khuyến khích ưu tiên việc nhà trường cho các con tham quan các khu du lịch, bảo tàng lịch sử văn hóa” – chị Vân Anh nói.