Ngày 15.6.2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, khen thưởng 06/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi về đối tượng được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND, đồng thời cần hoàn thiện hơn nữa quy chế, quy trình xét tặng danh hiệu, nên cần thiết phải dự thảo một Nghị định mới, thay thế hai Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP.
Quá trình lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân cho dự thảo của Nghị định mới đang được tiến hành và đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Nguyên nhân chính của những luồng dư luận trái chiều nhau xuất phát từ việc chỉ có 3/9 hội chuyên ngành đồng ý với việc bổ sung thêm đối tượng xét tặng. Đó là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Cụ thể, Hội Nghệ sĩ múa đề xuất thêm đối tượng là tác giả kịch bản múa. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất thêm đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lí luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh. Thậm chí Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam còn đề xuất thêm đối tượng của những hội khác.
Bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khi góp ý trước Quốc hội về Luật Thi đua – Khen thưởng vào tháng 6.2022, đã đề xuất bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc sư, soạn giả sân khấu và nhà văn.
Trong khi đó, 6 hội khác là Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mĩ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Điện ảnh Việt Nam đều từ chối đề xuất đối tượng để xét tặng danh hiệu. Việc từ chối và chủ động đề xuất của các hội này cho thấy nhiều vấn đề.
Lên tiếng chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong công văn số 46/HNV gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn ưu tú hay Nhà văn nhân dân. Nhà văn không phải là nghệ sĩ. Danh xưng nhà văn là cao quý, thiêng liêng. Phần thưởng cao quý, động viên khích lệ các nhà văn sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp văn học, cách mạng Việt Nam đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nêu quan điểm: “Hội viên của hội đã có danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân nhằm tri ân những người đang nắm giữ vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc”.
Trong khi đó, dư luận trên mạng xã hội cũng như những ý kiến thể hiện trên báo chí của một số người được phỏng vấn thì đa phần đều không đồng tình với việc bổ sung thêm đối tượng xét tặng danh hiệu. Không ít những ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn, thậm chí gay gắt đặt câu hỏi và phản đối về việc bổ sung thêm đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.
Ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Kiến trúc sư chính là danh hiệu cao quý, là niềm vinh dự mà xã hội trao cho rồi còn việc được phong NSƯT, NSND là không cần thiết. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là tạo ra không gian sống cho con người, gắn liền với nền kinh tế của đất nước.
Tôi và nhiều kiến trúc sư khác đều không quan tâm đến việc xét tặng này. Hội Nhà văn Việt Nam đã từ chối việc xét tặng là rất có trách nhiệm xã hội, có sự tôn trọng nghề nghiệp. Càng lắm danh hiệu càng làm giảm giá trị chứ không phải là tôn vinh”.
Nhiều ý kiến của những tác giả tên tuổi trong nhiều hội chuyên ngành đều cho biết bản thân ngành nghề của họ có những đặc thù riêng, có hệ thống giải thưởng quốc gia và quốc tế riêng và ở mức danh hiệu cao nhất, đã có giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh để tôn vinh các tác giả và những sáng tạo của họ. Vậy, việc bổ sung thêm đối tượng xét tặng là không cần thiết.
Do vậy, một tác giả hay một tác phẩm, muốn sống mãi, tồn tại mãi trong lòng công chúng, được công chúng nhớ đến, thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của sáng tác qua thời gian…