Cần thiết nhanh chóng xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 23.5 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An – bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.
“Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị, tôi đồng tình với sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính”, đại biểu Thái Thị An Chung nói.
Nữ đại biểu đề nghị Quốc hội đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào xem xét tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như đề xuất của đại biểu Quốc hội.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn – cho rằng, dự án Luật Chuyển đổi giới tính liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự trong trường hợp dự án Luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình.
Từ đó, ông Nghĩa đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cộng đồng LGBT còn bị kỳ thị tức là chưa thể phát huy khả năng trí tuệ trong công việc
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) – cho rằng, Luật Chuyển đổi giới tính là một bước tiến dũng cảm và văn minh.
Sau khi đọc báo cáo đánh giá tác động, đại biểu Huân nhất trí có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng luật này. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh chung cho cộng đồng LGBT.
Hiện tại tờ trình số 35, nội dung điều chỉnh chỉ tập trung vào 2 đối tượng nam, nữ và vấn đề chuyển đổi giới tính, như vậy sẽ bỏ quên một số đối tượng khác trong cộng đồng LGBT như song giới, đồng giới.
“Cộng đồng LGBT còn bị kỳ thị tức là chưa thể phát huy khả năng trí tuệ trong công việc, cuộc sống, từ đó có thể kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thậm chí còn xảy ra các bạo lực học đường liên quan vấn đề về giới tính”, ông Huân nói.
Phát biểu ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) – cho biết, tại phiên thảo luận từ sáng đến nay, đã có 4 ý kiến đại biểu phát biểu về nội dung liên quan đến dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là những ý kiến góp ý rất hay và cần thiết.
Về thời gian trình dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, bản thân đại biểu muốn triển khai nhanh, tuy nhiên qua các góp ý thấy rằng, có nhiều nội dung cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, nên thời gian trình lùi xuống Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là hợp lý. Đại biểu Trí nhấn mạnh, về vấn đề này, Quốc hội quyết định thế nào, đại biểu sẽ triển khai theo như vậy.
LGBT là viết tắt của các danh từ đặc trưng cho xu hướng tính dục của một người, là sự kết hợp của các từ: “Lesbian” (đồng tính nữ), “Gay” (đồng tính nam), “Bisexual” (lưỡng tính), “Transgender” (chuyển giới).