Nhiều tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có trung tâm ghép tạng nhi khoa duy nhất của khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động ghép tạng.
Nhiều phụ huynh có con bị suy gan, suy thận phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi ghép tạng cho con. Trong đó, có một số bệnh nhi đã tử vong trước khi tìm được nơi ghép tạng. Nguyên nhân vì đâu gây nên tình trạng này?
“Vật vã” tìm nơi ghép tạng cho con
Tháng 4/2023, chị N.H.T (33 tuổi, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) có con trai 2 tuổi đang điều trị suy gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được thông báo bệnh của con chị đã chuyển sang giai đoạn cuối, cần được ghép gan càng sớm càng tốt.
Chị N.H.T đề xuất được lấy gan của mình để ghép cho con nhưng các bác sỹ cho biết chương trình ghép tạng của bệnh viện đang bị dừng lại, phụ huynh nên tìm một cơ sở khác.
Liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, chị N.H.T được trả lời, các cơ sở này không ghép tạng cho trẻ em. Bất đắc dĩ, chị T. phải đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để thực hiện phẫu thuật.
[Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện hơn 1.100 ca ghép thận trong 30 năm]
“Việc phải di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã khiến chúng tôi tốn thêm chi phí ăn ở, đi lại, trong khi một ca ghép gan cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng,” chị T. cho biết.
Cũng phải đưa con ra Hà Nội ghép gan trong tình trạng bất đắc dĩ bởi “tình trạng của bé quá nặng, không thể chờ đợi,” chị H.T.K.P (23 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) chia sẻ một năm trước, con gái của chị vừa chào đời thì các bác sỹ xác định bị teo đường mật bẩm sinh.
Tháng 3 vừa qua, khi tái khám cho con, bác sỹ thông báo, bé bị suy gan và bắt buộc phải ghép gan để bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 không thể ghép gan do vướng giấy tờ, thủ tục.
Sau khi tìm hiểu, chị P. và gia đình quyết tâm đưa con ra Hà Nội để phẫu thuật ngay. Hành trình đưa con đi ghép gan tại Hà Nội của hai vợ chồng chị P. gặp nhiều khó khăn. Một mình chị P. vừa phải chăm con, vừa phải chăm chồng sau mổ lấy gan.
Nếu được ghép gan ở Thành phố Hồ Chí Minh gia đình chị đỡ vất vả hơn, chị P. trải lòng.
Đây là những trường hợp gia đình cố gắng đến được nơi ghép tạng sớm, cứu sống trẻ bị suy gan trong gang tấc. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do không đủ kinh phí để đưa trẻ đi Hà Nội ghép tạng khiến một số trẻ tử vong.
“Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tôi chứng kiến nhiều bé không chờ đợi được nữa mà gia đình không có điều kiện để đi Hà Nội và các bé đã không qua khỏi, đau xót lắm,” chị N.H.T chia sẻ.
Tiến sỹ, bác sỹ Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mỗi năm, đơn vị này có khoảng 30 trẻ em bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan.
Tuy nhiên, do việc ghép tạng bị gián đoạn nên hiện nay có khoảng 70 bệnh nhi đang chờ ghép gan. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, trung bình mỗi tháng sẽ có 2 trẻ tử vong.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, từ tháng 10/2022 đến nay, việc ghép tạng tại cơ sở này bị chậm lại rồi dừng hẳn. Với những trường hợp khẩn cấp, cần ghép tạng ngay, đơn vị này đã giới thiệu phụ huynh liên hệ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để thực hiện phẫu thuật.
Chờ thẩm định, phê duyệt đề án ghép tạng
Thừa nhận việc để bệnh nhi phải ra Hà Nội ghép tạng là “trách nhiệm của bệnh viện,” Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là việc “bất khả kháng.”
Theo bác sỹ Thạch, từ trước đến nay việc ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được thực hiện tại hai phòng mổ của bệnh viện. Tuy nhiên đây cũng chính là hai phòng mổ ngoại thần kinh và mổ tim.
Mỗi một lần tiến hành phẫu thuật ghép tạng, các ca mổ u não và mổ tim phải hoãn lại một tuần, trừ trường hợp khẩn cấp. Việc chồng chéo phòng mổ này khiến nhiều trẻ gặp biến chứng và tử vong khi không được phẫu thuật kịp thời.
Trước tình trạng này, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai Đề án ghép tạng, trong đó có việc xây dựng 2 phòng mổ hiện đại và cử bác sỹ đi học chứng chỉ lấy tạng trên người lớn.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch cho biết, từ trước đến nay, việc lấy tạng hiến từ người lớn cùng huyết thống với trẻ được thực hiện bởi sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài và bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các hợp đồng ký kết hợp tác hết hiệu lực nên việc hỗ trợ bị ảnh hưởng, các cuộc hội chẩn liên viện bị chậm lại, khó sắp xếp thời gian…
Việc cử bác sỹ đi học kỹ thuật lấy tạng người lớn sẽ giúp bệnh viện tự chủ hoàn toàn trong việc lấy ghép và ghép tạng.
Cùng với đó, việc xây dựng 2 phòng mổ hiện đại dành riêng cho ghép tạng đã được tiến hành, chờ sự thẩm định của Sở Y tế và Bộ Y tế.
“Khi đề án được thông qua, chúng tôi sẽ giải được bài toán khó này. Hiện nay, chúng tôi đã xác định được 3 cặp ghép gan và sẽ liên hệ để hội chẩn liên viện sớm.
Dự kiến khi Đề án ghép tạng được thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, các ca phẫu thuật ghép tạng sẽ được thực hiện trở lại ở phòng mổ mới với các tiêu chuẩn hiện đại nhất,” bác sỹ Phạm Ngọc Thạch cho hay.
Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai các kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em.
Bắt đầu từ năm 2004, đơn vị này tiến hành ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em mắc các bệnh lý liên quan. Tính đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 25 ca ghép gan, 13 ca ghép thận./.