Chiều 23.5, kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Cấp cao tại Hà Nội đã nêu đề nghị trên.
Cho rằng kết quả điều tra, lời khai của nhân chứng, điều tra viên… đều chưa đủ căn cứ buộc tội, Kiểm sát viên phúc thẩm đề nghị Toà án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy án tử hình về tội “Giết người” với ông Vi Văn Phượng, do TAND tỉnh Bắc Giang tuyên năm 2019.
Qua quá trình xét hỏi hôm nay, Viện Kiểm sát thấy 3 vấn đề: căn cứ buộc tội mâu thuẫn, thời gian gây án chưa rõ ràng và động cơ gây án chưa thuyết phục.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo được xác định rời nơi đi làm thuê khoảng 11h-11h10 phút và gọi điện thông báo cho công an và người chú, anh trai về việc mẹ mất, lúc 11h25 phút.
Ngay sau đó, khi những nhân chứng đầu tiên đến, ít phút sau cuộc gọi, những người này đều cho biết vết máu đã thâm đen.
Theo kết quả giám định, vết máu mất 1-3h mới chuyển màu thâm đen. Khám nghiệm hiện trường và lời khai của bị cáo cho thấy, thi thể bà Vui đã đông cứng khi bị cáo về nhà. Do đó, việc quy kết Vi Văn Phượng gây án trong khoảng thời gian sau 11h10- 11h25′ là còn mâu thuẫn.
Nếu cho rằng, nạn nhân chết lúc 9h-9h30, sẽ phù hợp với việc biến màu máu sang thâm đen nhưng lại không đúng với thời điểm bị cáo về nhà và ngược lại, nếu quy kết bà Nguyễn Thị Vui (mẹ Phượng) bị Phượng giết sau khoảng 11h, sẽ không phù hợp với việc thời gian màu máu chuyển thâm đen.
Nhận định về động cơ gây án, Viện Kiểm sát cho hay bản án sơ thẩm quy kết do cuộc sống khó khăn và ức chế với mẹ nên bị cáo ra tay sát hại. Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng là anh em, họ hàng cho thấy, bị cáo là người con có hiếu.
“Thời điểm xảy ra vụ án, kinh tế gia đình cũng không thuộc diện khó khăn vì vợ bị cáo sau khi đi xuất khẩu lao động có gửi 50 triệu đồng (trước thời điểm xảy ra vụ án) về để trang trải các khoản nợ” – đại diện Viện Kiểm sát phân tích.
Ngoài ra, kết luận giám định xác định bị cáo không bị tâm thần, đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.
Những vật chứng quan trọng trong vụ án, gồm con dao quắm và chiếc áo dính máu được cơ quan điều tra thu giữ tại chiếc thang gần giường nạn nhân ngủ, được xác định là các vật dụng bị cáo sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, không có căn cứ nào khẳng định, ông Phượng là người sử dụng những vật này trong ngày đó.
Về chiếc áo dính máu nạn nhân thu giữ tại hiện trường, phần lớn nhân chứng khẳng định, không rõ bị cáo có mặc chiếc áo này tại ngày xảy ra vụ án hay không. Chỉ có duy nhất nhân chứng Lăng Đức Mạnh khai nhìn thấy bị cáo mặc hai áo. Nhưng lời khai của chính người này cũng có sự mâu thuẫn, khi thì khai bị cáo mặc một áo, khi lại khai mặc hai áo.
Công tố viên cho rằng, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chưa thực hiện hết bảy yêu cầu của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại quyết định giám đốc thẩm năm 2016 (về việc hủy án để điều tra lại). Do đó, các chứng cứ buộc tội với ông Vi Văn Phượng là chưa vững chắc, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội giết người.
Từ những tài liệu, chứng cứ nêu trên, Viện kiểm sát cho rằng, chưa đủ căn cứ để kết luận bị cáo Vi Văn Phượng phạm tội giết người.
Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm năm 2016, bản án sơ thẩm năm 2019 để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo.
Trong khi đó, tại toà, ông Phượng nói: “Tôi kiên quyết kêu oan. Có giết bị cáo thì giết chứ bị cáo không bao giờ làm việc bất nhân bất nghĩa”.
Theo bản án sơ thẩm, gia đình ông Phượng sống cùng mẹ Nguyễn Thị Vui tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng vay mẹ đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ để lo cho con đi xuất khẩu lao động.
Năm 2011, khi con trai về, vợ ông Phượng tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Tháng 9.2012, con dâu bắt đầu gửi tiền về. Đầu tháng 10.2012, ông Phượng trả vàng nhưng mẹ nghi ngờ hàng giả. Hai người to tiếng. Hôm sau, khi đi làm thuê về lúc trưa, người con đã cầm dao đoạt mạng mẹ đang nằm trên giường, bản án nêu.
Hai lần xét xử sơ và phúc thẩm năm 2013, bị kết án tử hình về tội Giết người, ông Phượng đều kêu oan, khẳng định không giết mẹ. Ba năm sau, ngày 30.8.2016, Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Kết quả điều tra cuối năm 2016 chỉ ra 7 thiếu sót, mâu thuẫn cần điều tra lại. Bao gồm: thời gian gây án của bị cáo và thời gian chết của bà Vui còn mâu thuẫn; vết máu ở hiện trường chưa được làm rõ; chiếc áo phông dính máu nạn nhân thu tại hiện trường chưa chắc là chiếc áo ông Phượng mặc hôm đó; động cơ giết người cần điều tra lại…
Cho rằng việc kết tội có cơ sở, trong phiên sơ thẩm lần hai mở tháng 8.2019, TAND tỉnh Bắc Giang lần thứ 3 tuyên án tử hình. Ông Phượng khẳng định sẽ “trường kỳ chống án”.