Chiều 22.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 17.100 tỉ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023.
Khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỉ đồng. Phần còn lại hơn 10.300 tỉ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bổ sung vốn cho Agribank là cấp thiết, giúp ngân hàng đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II (Hiệp ước Basel về lĩnh vực ngân hàng).
Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Agribank chỉ đạt 7% tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại nhà nước khác như Vietcombank 9,98%, VietinBank 8,54% và BIDV 8,4%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng này cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hóa. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để mở rộng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỉ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỉ đồng), MB (hơn 45.300 tỉ đồng), VPBank (hơn 67.400 tỉ đồng).
Thẩm tra nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách là đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo luật định.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỉ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Theo đó, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định; cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững;
Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.
Mức vốn bổ sung 17.100 tỉ đồng tương ứng số lợi nhuận còn lại dự kiến nộp ngân sách trong giai đoạn 2021 – 2023. Đa số nhất trí với đề xuất tăng vốn, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kĩ hơn bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách, cân đối nguồn thu – chi; xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội quyết định (10.347 tỉ đồng).
Chính phủ cũng cần có phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kì vọng.
Ngoài ra, để chủ động trong việc lập dự toán ngân sách hằng năm và xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm (2026-2030), Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo kế hoạch cổ phần hóa cũng như nhu cầu tổng thể vốn điều lệ cần thiết phải bổ sung cho Agribank đến năm 2030 và dự kiến kế hoạch, phương án bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong thời gian tới.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, cũng như khả năng đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.