Chiều 23.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỉ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình là 161.848,315 tỉ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỉ đồng.
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỉ đồng. Trong đó, số vốn NSNN được phép phân bổ chi tiết là 2.720.000 tỉ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỉ đồng).
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 2.440.007,683 tỉ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992,317 tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương là 142.992,317 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỉ đồng).
Kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 1.208,188 tỉ đồng. Số vốn còn lại dự kiến phân bổ như sau:
Phân bổ 183,188 tỉ đồng vốn trong nước thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 4 bộ, cơ quan trung ương.
Phân bổ 1.025 tỉ đồng vốn nước ngoài theo cam kết với nhà tài trợ để thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh tham gia thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kì, nhiệm kì trước chưa chuẩn bị cho kì sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư hoặc phải điều chỉnh, gây chậm trễ trong phân bổ vốn.
Năng lực triển khai ở một số nơi còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.
Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ dự án, nhưng chưa tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Về kiến nghị, đối với vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ: Giao kế hoạch vốn 13.369,468 tỉ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31.3.2023.
Tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án của tỉnh Ninh Thuận với số vốn là 273 tỉ đồng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho dự án sau khi đủ điều kiện giao vốn. Không thực hiện phân bổ số vốn còn lại là 509,217 tỉ đồng.
Với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Giao 87.359,227 tỉ đồng cho 4 nhiệm vụ, 182 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Giao 1.000 tỉ đồng cho dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư…