Với đối tượng xét tặng là “nghệ sĩ biểu diễn” thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, với độ nhận diện phổ biến khác nhau, với những đặc thù khác nhau, nên luôn xảy ra những tranh cãi trái chiều.
Mới đây, liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (sửa đổi), những tranh cãi quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại bùng nổ.
Theo đó, dự thảo nghị định bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu ngoài “nghệ sĩ biểu diễn”, có thêm “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”.
Mở rộng đối tượng được xét tặng danh hiệu, nhưng những tồn đọng xoay quanh tiêu chí xét tặng danh hiệu cho “nghệ sĩ biểu diễn” vẫn kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Thương hiệu và danh hiệu nghệ sĩ
Nhìn từ thực tế có thể thấy ngay, nghệ sĩ có thương hiệu chưa chắc đã được xét tặng danh hiệu và ngược lại, nghệ sĩ có danh hiệu NSƯT, NSND – chưa chắc đã có thương hiệu cá nhân trong ngành.
Thương hiệu được tính cho những nghệ sĩ có thực lực, danh tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến. Nhưng, những nghệ sĩ này nếu không chịu làm hồ sơ “xin xét tặng” hoặc không tham gia các liên hoan, hội diễn… để có đủ huy chương vàng, bạc sẽ không thể có được danh hiệu.
Ở lĩnh vực sân khấu, NSƯT Chí Trung từng phân tích: “Nghệ sĩ hoạt động ở miền Bắc hầu hết đều thuộc quân số của các nhà hát, tức là, thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nghệ sĩ phía Nam chủ yếu hoạt động tự do. Nghệ sĩ ở cơ quan nhà nước sẽ có điều kiện tham gia liên hoan, hội diễn để có đủ huy chương, nhưng nghệ sĩ hoạt động tự do sẽ rất khó để đạt đủ chỉ tiêu này”.
Theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia.
Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)…
Nghị định 40/2021/NĐ-CP so với Nghị định 89/2014/NĐ-CP được cho là đã hoàn thiện hơn, cởi mở hơn trong việc xét tặng danh hiệu để “không bỏ sót tài năng”. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP vẫn gây tranh cãi không kém những mùa xét tặng trước đó.
Khi số lượng huy chương trở thành “kim chỉ nam” của việc xét tặng, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng cho rằng, “xin đừng biến huy chương thành công cụ để xin danh hiệu”.
Theo đó, những hội diễn với cơn mưa huy chương sẽ tiếp tục diễn ra, số lượng huy chương trao cho nghệ sĩ “không ai biết mặt đặt tên” nhiều hơn gấp mấy lần so với nghệ sĩ đã thành danh, có thương hiệu.
Chưa kể, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau khi về hưu – dù tiếp tục cống hiến, có vai diễn để đời – vẫn không nằm trong danh sách xét tặng, vì không còn tham gia hội diễn, không có giải thưởng cá nhân, không làm hồ sơ xin xét tặng.
Đơn cử như trường hợp của NSƯT Thanh Quý, bà vốn thuộc quân số của Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu tại hãng, NSƯT Thanh Quý chuyển hướng sang hoạt động ở lĩnh vực phim truyền hình. Những năm gần đây, bà có nhiều vai diễn gây tiếng vang, được đông đảo khán giả yêu mến – thế nhưng – Thanh Quý sẽ rất khó được xét tặng NSND, vì không có thêm giải thưởng và đã về hưu.
Trả lời báo chí xoay quanh chuyện huy chương và xét tặng danh hiệu, NSND Lệ Thủy nói: “Có nghệ sĩ rất tích cực dự thi để tìm giải thưởng. Một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương”.
Nghịch lý từ đặc thù khác nhau của mỗi ngành nghệ thuật
Khi số lượng huy chương bị mang ra tranh cãi, khi thương hiệu – danh hiệu nghệ sĩ được bàn luận, những nghệ sĩ ở các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc đưa quan điểm về độ nhận diện, sức ảnh hưởng của danh tiếng nên được đưa ra làm tiêu chí xét tặng.
Nếu độ nhận diện, sức ảnh hưởng trở thành tiêu chí, nhiều nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh vực kén khán giả như chèo, tuồng, ca kịch… sẽ thiệt thòi.
Theo NSND Tự Long, “Những nghệ sĩ gắn bó với sân khấu truyền thống cũng rất nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Sân khấu truyền thống đang ngày càng mai một, khán giả không còn mặn mà, nhưng nghệ sĩ vẫn nỗ lực bền bỉ. Sự nỗ lực của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống xứng đáng được ghi nhận”.
Chính bởi sự khác nhau giữa đặc thù các ngành nghệ thuật, đạo diễn – NSND Thanh Vân cho rằng, việc xét tặng danh hiệu NSND – NSƯT cần dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có: danh tiếng, sức ảnh hưởng, tài năng, những nỗ lực cống hiến, giải thưởng nhà nghề và cả nhân cách, đạo đức… trong suốt quá trình hoạt động.