Hôm nay (22.5), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 15 bị cáo, các luật sư, bị đơn dân sự trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Đáng chú ý, 4 anh, chị ruột của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch AIC có đơn kháng cáo cho bị cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trong đơn kháng cáo, 4 anh, chị ruột của bà Nhàn trình bày: “Em gái chúng tôi có đưa hối lộ hay không thì chỉ em ấy biết. Việc sử dụng lời khai của người khác để buộc tội em gái chúng tôi mà không có những chứng cứ khác, trong khi không có mặt em gái chúng tôi để lấy lời khai và đối chất làm rõ là không đảm bảo các quy định của pháp luật.
Chúng tôi giả sử trường hợp ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai lại rằng, thực tế không có việc nhận tiền từ em gái tôi thì rõ ràng em gái chúng tôi không có tội đưa hối lộ. Do đó chỉ dùng lời khai của bị cáo Thành, Thái làm căn cứ buộc tội là oan ức cho em gái chúng tôi”.
Ngoài ra, luật sư của bà Nhàn cũng có kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Bà Nhàn bị cấp sơ thẩm TAND Hà Nội tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong số các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị truy tố trong vụ án này, chỉ còn bị cáo Phan Huy Anh Vũ – cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai là có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại tội danh.
Ông Vũ bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tổng cộng hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”.
Các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai gồm: Trần Đình Thành – Bí thư Tỉnh uỷ, Đinh Quốc Thái – chủ tịch UBND, Bồ Ngọc Thu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư… không kháng án.
Ngoài ra, bị cáo Hoàng Thị Thuý Nga – cựu Phó Tổng Giám đốc AIC, cùng 1 số người được xác định bỏ trốn, tuyên án vắng mặt cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Công ty Cổ phần Bất động sản AIC – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đã kháng cáo theo hướng hủy bỏ lệnh kê biên của cơ quan quan điều tra với khu đất hơn 4.000 m2 tại ô đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Công ty Cổ phần Bất động sản AIC cho rằng, bà Nhàn cũng như công ty AIC không thuộc quyền sở hữu. Công ty AIC và Công ty Cổ phần Bất động sản AIC là hai pháp nhân độc lập, không có bất kỳ mối liên hệ nào.
Công ty AIC cũng chưa bao giờ là chủ sử dụng hay quản lý hợp pháp khu đất trên. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh nhàn không còn là cổ đông và không có bất kỳ quyền lợi, nghĩa vụ nào với Công ty Cổ phần Bất động sản AIC kể từ ngày 14.4.2021.
Trong khi đó, Công ty AIC cũng có đơn kháng cáo phần dân sự của bản án sơ thẩm, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá lại giá trị thiệt hại mà công ty phải bồi thường.
Những vấn đề trên sẽ được cấp phúc thẩm giải quyết trong các ngày xét xử diễn ra.
Theo bản án sơ thẩm, giai đoạn 2007-2009, để AIC được tham dự đấu thầu và trúng 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã liên hệ nhờ ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái giới thiệu với phía bệnh viện.
Sau đó, bị cáo Thành chỉ đạo Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho AIC trúng các gói thầu. Sau khi giúp doanh nghiệp trúng thầu, các bị cáo Thành, Thái, Vũ đã nhận hối lộ số tiền tổng cộng 43,8 tỉ đồng do nhóm lãnh đạo AIC đưa hối lộ.
Quá trình dự thầu, cựu Chủ tịch AIC cùng các bị cáo còn sử dụng quy trình 70 để thông thầu, gian lận đấu thầu trái quy định của pháp luật, thể hiện qua các hành vi làm quân xanh, chuẩn bị hồ sơ dự thầu…
Những hành vi trái pháp luật này giúp nhóm của AIC thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.