Fandom – yếu tố quan trọng nhất với nghệ sĩ Kpop
Kpop hiện đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mạnh, với nhiều nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu như PSY, BTS, Blackpink…
Từ âm nhạc của một quốc gia châu Á, Kpop đã dần vươn tới Mỹ, châu Âu và phủ sóng khắp thế giới. Trong đó, fandom (cộng đồng người hâm mộ) là yếu tố then chốt đối với sự tồn tại và phát triển của Kpop.
Korea Joongang Daily khẳng định, người hâm mộ là “nhịp tim” của hệ sinh thái Kpop. Số lượng người hâm mộ tương đương với sức mạnh của một nghệ sĩ Kpop.
Tuy nhiên, ở Kpop còn có các khái niệm phân biệt mức độ yêu thích với thần tượng.
“Non-fan” được coi là những “fan qua đường”, họ có thể thích một sản phẩm âm nhạc nhưng chưa trở thành người hâm mộ thực thụ để tìm hiểu và ủng hộ mọi hoạt động của thần tượng.
Trong khi đó, “fan chân chính” (hay fan cứng, fan trung thành) là những người không chỉ yêu thích âm nhạc mà còn sẵn sàng vung tiền vào việc quảng bá, tạo thu nhập cho thần tượng, từ mua album, mua nhạc, săn vé concert, cày view, bình chọn…
Một nhóm nhạc Kpop không có fandom chân chính thì không thể tạo ra doanh thu và sẽ dần bị đào thải. Đó là lý do các nghệ sĩ và công ty quản lý Kpop làm mọi cách để xây dựng fandom lớn mạnh và trung thành, cả trong nước cũng như toàn cầu.
Kpop đã trao cho người hâm mộ thứ “quyền lực” đáng nể, trên cơ sở xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa fan và nghệ sĩ.
Các công ty giải trí Hàn Quốc tạo điều kiện để fan tương tác thường xuyên với thần tượng qua concert, buổi gặp mặt, ký tặng, hoặc qua nền tảng mạng xã hội đặc thù. Họ cố gắng tạo nên mối quan hệ như thể nghệ sĩ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người hâm mộ.
Kpop đào tạo ra những thế hệ idol toàn năng, vừa phải có tài năng, nhan sắc, vừa phải theo đuổi hình tượng “đẹp”, đời tư trong sạch, tránh xa scandal… Tất cả là để phục vụ những người hâm mộ sẵn sàng chi tiền cho thần tượng.
Thậm chí, hầu hết các công ty định hướng nghệ sĩ đi theo hình tượng “bạn trai”, “bạn gái” để thu hút fan, đặc biệt là những idol nam, khi lượng fan nữ ở Kpop (chiếm 70-90%) luôn áp đảo fan nam.
Ranh giới giữa fan trung thành và fan cuồng độc hại
Tuy nhiên, chiến lược xây dựng fandom trung thành cũng xuất hiện “biến tướng” khi nó quá phát triển với nhiều thành phần, tính cách không thể lường trước.
Như trong vụ việc video hẹn hò của V – Jennie được tung ra, nhiều fan của mỹ nam nhóm BTS lập tức thể hiện sự “ảo tưởng” quyền lực.
Họ nói rằng bản thân như “bị phản bội”, quyết định rời đi vì V đã “thuộc về cô gái khác”. Có những fan nữ tràn vào tài khoản Instagram của Jennie buông lời mạt sát vì cho rằng thành viên Blackpink đã cướp mất bạn trai của họ.
Hiện trạng này thực chất vẫn luôn tồn tại ở Kpop. Nhiều công ty cấm nghệ sĩ hẹn hò, yêu đương vì một khi bị phát hiện, fan sẽ quay lưng.
Một bộ phận fan trung thành dần biến thành fan cuồng độc hại, được gọi là “sasaeng”. Đây là những fan ám ảnh thần tượng đến mức đeo bám, xâm phạm quyền riêng tư và có nhiều hành động đi quá giới hạn.
Ngoài ra, trong chiến lược xây dựng fandom Kpop, các công ty còn thúc đẩy người hâm mộ theo xu hướng “shipdom” – ủng hộ một cặp đôi trong nhóm nhạc.
Theo hướng tích cực, những “fan couple” kiểu này chỉ đơn giản yêu thích sự tương tác ăn ý của cặp đôi họ gán ghép. Điển hình như V – Jungkook nhóm BTS là cặp đôi nam thần tượng có nhiều fan couple bậc nhất.
Tuy nhiên, fan couple mang tư tưởng của những “sasaeng” có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực, vì họ tự huyễn hoặc rằng cặp đôi mình gán ghép thực sự yêu nhau ngoài đời.
Khi V bị tung bằng chứng hẹn hò với Jennie, nhiều fan couple V – Jungkook đã tìm mọi cách phản biện, phủ nhận. Một số fan cực đoan cố chấp cho rằng chàng trai trong video là “V giả mạo”, một số fan thì tuyên bố V đã phản bội tình cảm của Jungkook.
Song, khi Kpop mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, những đặc tính của fan Kpop nhiều châu lục cũng mở ra cơ hội để thần tượng Hàn Quốc phát triển một cách cởi mở, thoải mái hơn, cả trong âm nhạc và đời tư.
Bằng chứng là không ít người hâm mộ tôn trọng quyết định của thần tượng, ủng hộ mối tình của V – Jennie.