Em Nguyễn Minh Hiếu, học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cảm thấy lo lắng với tỉ lệ chọi vào lớp 10 THPT công lập năm nay.
Ngoài nguyện vọng trúng tuyển trường công lập, Minh Hiếu còn có kế hoạch thi vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó, áp lực của em gấp đôi, gấp ba lần so với bạn bè cùng trang lứa.
Giai đoạn ôn thi nước rút này, em đã đăng kí tham gia nhiều lớp học thêm online và trực tiếp với hy vọng trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn.
“Nhiều hôm em đi học thêm buổi tối về muộn vẫn thức khuya học bài. Em thường xuyên phải thức dậy từ 3 giờ sáng để ôn luyện.
Vì phần lớn thời gian của em chỉ dành cho việc học tập nên khá áp lực. Áp lực còn đến từ sự kỳ vọng của mẹ em. Vậy nên, dù mệt mỏi, em vẫn phải tiếp tục cố gắng” – Minh Hiếu chia sẻ.
Em Nguyễn Minh Đức – học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cảm thấy căng thẳng, lo lắng về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.
Nguyện vọng cao nhất của Minh Đức là trúng tuyển Trường THPT Chu Văn An – ngôi trường có tỉ lệ chọi xếp thứ 2 toàn thành phố khi 3 thí sinh nộp hồ sơ, chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.
Trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Minh Đức gặp khó khăn nhiều nhất ở môn Ngữ văn. Do đó, ngoài việc học thêm kiến thức, em còn dành thời gian tìm kiếm các tài liệu, các bài giảng trên Internet.
Trong thời gian cao điểm của việc ôn thi, nam sinh dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học. Có nhiều ngày trong tuần, lịch học kéo dài từ sáng đến 9, 10 giờ tối.
“Em cũng gặp áp lực về mặt tinh thần. Thầy cô, bố mẹ đưa ra rất nhiều giải thưởng để động viên em cố gắng thi đỗ nguyện vọng cao nhất. Em sợ kết quả thi không tốt làm mọi người thất vọng” – Minh Đức chia sẻ.
Thầy Ngô Văn Vịnh – giáo viên môn Toán, Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ở thời điểm này, học sinh khối 9 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, những lo lắng, áp lực là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, các em học sinh không nên quá căng thẳng, quá sa đà vào việc học. Thay vào đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, việc ôn tập sẽ đạt hiệu quả hơn rất nhiều.
“Thầy cô trên lớp đã ôn luyện, trang bị đầy đủ kiến thức cho các em. Thời gian này, các em giữ gìn sức khoẻ, ôn tập lại kiến thức thầy cô đã dạy. Không nên quá căng thẳng, lao vào học quá nhiều, gây ảnh hưởng đến tâm lý khi làm bài thi” – thầy Vĩnh nói.
Về quá trình làm bài thi, thầy Vĩnh đặc biệt lưu ý, thí sinh cần rèn kỹ năng làm bài cẩn thận, chỉn chu để không bị trừ điểm oan.
“Với môn Toán, các em cần làm cẩn thận, trình bày chỉn chu để chắc chắn điểm 9. Với những bạn có học lực khá, giỏi, có thể làm thêm bài cuối và câu cuối bài hình để đạt được điểm 10” – thầy Vĩnh chia sẻ.