Như Lao Động đã đề cập, từ năm 2018-2022, Tổng công ty Cổ phần thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã phát hành 14 lô trái phiếu. Trong đó, 1 lô trái phiếu đã được Vietracimex mua lại trước hạn, còn lại 13 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng dư nợ khoảng 2.343 tỉ đồng.
Cụ thể, dữ liệu từ HNX cho thấy, mục đích phát hành cho các đợt trái phiếu Vietracimex phần lớn dùng để hợp tác đầu tư (BCC) với CTCP Năng lượng Cà Mau 1B để thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Cà Mau 1B; tài trợ phương án đầu tư (BCC) với CTCP Năng lượng Cà Mau 1A để thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Cà Mau 1A.
Ngoài huy động vốn từ kênh trái phiếu để tập trung cho các dự án năng lượng, thì chính bản thân các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vietracimex còn thế chấp dự án của mình tại các ngân hàng.
Đơn cử, tháng 9.2021, CTCP Năng lượng Cà Mau 1B đã thế chấp toàn bộ các khoản lợi thu được từ dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1B do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại Ngân hàng Quân đội.
Trước đó, tháng 6.2021, CTCP Năng lượng Cà Mau 1A cũng sử dụng toàn bộ toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất phát sinh từ dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng của mình tại ngân hàng MB Bank.
Tương tự, vào tháng 5.2020, Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 – đơn vị phát triển Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B tại địa chỉ xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cũng đã thế chấp các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của Quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất gắn liền với Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B cũng ở ngân hàng Quân Đội.
Trong năm 2020, một phần tài sản liên quan đến dự án Kim Chung – Di Trạch được dùng làm tài sản đảm bảo các lô trái phiếu do Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 (thuộc hệ sinh thái Vietracimex) phát hành.
Ngoài ra, cổ phần của Vietracimex cũng được cổ đông lớn của công ty sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng lên đến hàng trăm tỉ của mình.
Theo đó, vào tháng 6.2021, ông Võ Nhật Thăng đã thế chấp 100 triệu cổ phần của mình tại Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng cho khoản vay có giá trị 890 tỉ đồng tại Agribank.
Về kết quả kinh doanh của Vietracimex, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này đưa về xấp xỉ 2.780 tỉ đồng doanh thu, giảm 22% so với năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tiết chế giá vốn bán hàng tốt, giúp lãi gộp doanh nghiệp đạt khoảng 536 tỉ đồng, tăng 164%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 402 tỉ đồng, tăng 55%. Chi phí tài chính tăng 87%, lên 402 tỉ đồng; chi phí bán hàng tăng 48%, lên 219 tỉ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24%, lên 140 tỉ đồng…
Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Vietracimex báo lãi sau thuế gần 194 tỉ đồng, tăng 1.113% so với năm 2021.