Các đại biểu sẽ đề xuất lộ trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực. Lộ trình này vạch ra các bước và các hành động cần thiết để nâng cao năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh y tế.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu sản xuất vaccine và tham gia của Việt Nam trong chương trình chuyển giao công nghệ mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI – Bộ Y tế) tổ chức ngày 22/5, tại Hà Nội.
[Vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí]
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tăng cường tiếp cận vaccine và năng lực hệ thống y tế để Việt Nam ứng phó với Covid-19,” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua UNDP nhằm tăng cường tiếp cận vaccine và chứng nhận vaccine COVID-19 tại Việt Nam.
Cơ hội quan trọng để Việt Nam tiếp cận công nghệ mRNA
Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phân tích đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam tiếp cận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi phải xem xét cẩn thận các bước và thời gian, quy mô và nguồn vốn đầu tư cần thiết cũng như phát triển chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững tài chính của hoạt động chuyển giao công nghệ.
Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã mở ra một công nghệ mới trong phát triển vaccine. Việt Nam xác định được nhu cầu để từ đó tăng cường sản xuất cũng như chứng nhận vaccine thông qua việc ứng dụng và tham gia vào chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đó là chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA của WHO thông qua Afrigen ở Cape Town, Nam Phi.
Ông Patrick Haverman nhấn mạnh việc tăng cường năng lực của Việt Nam sẽ đóng góp vào việc sản xuất vaccine thường quy cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó ứng dụng các công nghệ và cách tiếp cận mới cũng như tăng cường năng lực trong việc đáp ứng các dịch bệnh mới nổi cũng như các đại dịch trong tương lai.
Các chuyên gia cũng cho rằng sự tham gia của Việt Nam vào Chương trình chuyển giao công nghệ mRNA do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng đã đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận và sản xuất vaccine trong nước.
Riêng về vaccine COVID-19, đến giữa năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 thấp nhất Đông Nam Á.
Ông Patrick Haverman cho biết vào 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam với sự hỗ trợ của COVAX và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, đã cứu sống được nhiều mạng người, tạo điều kiện quan trọng để tái mở cửa, khôi phục kinh tế.
Việt Nam có bề dày kinh nghiệm
Chia sẻ về thế mạnh trong sản xuất vaccine của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Khánh Phương – Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine với 4 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt chuẩn GMP. Việt Nam cũng có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như: vaccine bất hoạt, vaccine giải độc tố, vaccine tiểu đơn vị…
Đến nay, Việt Nam là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong tiêm chủng mở rộng (10/11 vaccine). Năm 2015 hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo Bộ công cụ đánh giá vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực, theo Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vaccine; Xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tại hội thảo, các nghiên cứu viên chia sẻ những phát hiện của 3 nghiên cứu bao gồm tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển và sản xuất vaccine trong nước, lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam và các chính sách và thủ tục cấp phép vaccine quốc tế, bao gồm kinh nghiệm cấp phép vaccine COVID-19 quốc tế.
Hội thảo đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng khác nhau, bao gồm đánh giá tài liệu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển và sản xuất vaccine trong nước, tập trung vào việc lập bản đồ năng lực sản xuất vaccine hiện tại của Việt Nam, và cung cấp những thông tin có giá trị cho việc lập kế hoạch trong tương lai. Báo cáo này cung cấp những hiểu biết có giá trị về các khía cạnh kỹ thuật trong sản xuất vaccine mRNA và tiềm năng ứng dụng của vaccine này tại Việt Nam./.