Không dám ở nhà vì không có nước sạch
Sau khi tắm xong, Bùi Thị Lan Anh – sinh viên Trường Đại học Thành Đô lập tức thoa một lớp thuốc mỏng lên trên khu vực da đang nổi mẩn, nhiều mụn li ti.
“Mình phải đi khám da liễu và sử dụng loại thuốc này trong suốt hơn 2 tháng nay. Em trai mình ở phòng bên cạnh cũng vậy” – Lan Anh nói.
Nữ sinh cho biết, giữa tháng 3.2023, khi phòng trọ bị cắt nước sạch, cô phải mang theo quần áo, sữa tắm, sữa rửa mặt… để đi tắm nhờ tại nơi làm thêm. Ngoài ra, cô cũng phải mang theo can nước 10 lít để xin nước sạch về sử dụng.
Sau nửa tháng, chủ nhà có bơm nước giếng khoan cho khu trọ dùng, song Lan Anh chỉ dám sử dụng để tắm và giặt quần áo.
“Dù nước giếng khoan đã được đưa qua bể lọc, song mình vẫn phải dùng cách thủ công là nhét 3 bông tẩy trang vào phần vòi lọc. Khi tháo ra, lớp bông tẩy trang này chuyển thành màu xanh rêu.
Đặc biệt sau khi tắm, mình và em trai đều bị nổi mụn rất nhiều. Thế nhưng cũng đành chịu vì chẳng thể đi tắm nhờ mãi được” – cô nói.
Hiện tại, Lan Anh vẫn luôn mang theo can 10 lít khi đi làm thêm để xin nước mang về nấu ăn.
“Trong suốt 2 năm thuê trọ ở đây, đây là lần đầu tiên mình rơi vào tình trạng không muốn về phòng. Nhất là trong những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, mình gần như không dám về nhà mà chỉ ở quán làm thêm hoặc ở trên trường, vì ở phòng không có nước sạch sử dụng” – nữ sinh nói.
Tương tự, Bùi Xuân Trường – sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á cũng phải chật vật trong những ngày nắng nóng vì không có nước sạch sử dụng.
Trường cho biết, thời gian đầu khi bị cắt nước sạch, anh thường xuyên phải đi tắm nhờ nhà họ hàng.
Có những ngày đi học về muộn, Trường phải gọi điện xin phép họ hàng, sau đó mới qua tắm nhờ. Đến khi tắm xong và di chuyển về phòng trọ, mồ hôi đã vã ra.
“Mỗi tháng mình phải bỏ tiền ra mua bình nước 20 lít để sử dụng. Trước đây nước này chỉ dùng để uống, song hiện nay phải dùng để nấu nướng, tốn kém hơn rất nhiều. Với một sinh viên như mình thì đó cũng không phải khoản tiền nhỏ” – Trường nói.
Vẫn chưa biết ngày được cấp nước trở lại
Trường và Lan Anh là 2 trong số rất nhiều người sinh sống tại khu trọ của anh Nguyễn Minh Thắng – những người đang từng ngày mong ngóng được sử dụng nước sạch trở lại.
Trước đó, như Lao Động phản ánh, khu trọ cho thuê của anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước sạch.
Cụ thể, giữa tháng 3.2023, anh Thắng nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội, thông báo về việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ của anh có xuất hiện 1 lỗ thủng và 1 que tăm cắm vào công tơ.
Cho thuê 14 phòng trọ suốt hơn 10 năm và bắt đầu lắp đặt hệ thống hệ thống cấp nước sạch từ tháng 10.2018, nhưng đây là lần đầu tiên, gia đình anh gặp trường hợp hi hữu nói trên.
Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó đã lập biên bản kiểm tra hệ thống nước về việc đồng hồ của khách hàng bị can thiệp vào mặt hiển thị.
Theo nội dung biên bản, đồng hồ bị cháy giữa mặt hiển thị (phần kim đen và kim đỏ). Tiết diện cháy dài khoảng 2cm, rộng 0,5cm. Tại vị trí gần mép cháy phía ngoài có thủng 1 lỗ tròn có cắm que tăm (có video và hình ảnh ghi lại sự việc).
Đại diện công ty cho biết, do không biết sự việc xảy ra từ bao giờ, do đó công ty sẽ tính mức truy thu từ lúc lắp đặt đồng hồ, bắt đầu từ tháng 10.2018 đến tháng 3.2023 là 51 tháng, tổng số tiền là hơn 80 triệu đồng.
Không bằng lòng với mức truy thu này, anh Thắng nhiều lần lên làm việc với Công ty nước sạch Tây Hà Nội, song đến nay, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.