Tranh cãi bất tận
Những tranh cãi xung quanh việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ chưa bao giờ đi đến hồi kết bởi những bất cập vây quanh, từ số lượng huy chương, từ giải thưởng, việc làm hồ sơ xin được xét tặng đến rất nhiều thủ tục liên quan.
Tháng 6.2022, khi góp ý trước Quốc hội về Luật Thi đua khen thưởng, bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam – đã đề xuất bổ sung danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học (nhà văn).
Ngay sau đó, ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam – cho biết, hội đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng được trao danh hiệu. Tuy nhiên, các nhà văn từ chối việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho họ.
Mới đây, liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (sửa đổi), những tranh cãi quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại bùng nổ. Theo đó, dự thảo nghị định bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu ngoài “nghệ sĩ biểu diễn”, có thêm “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”.
Việc đề xuất xét tặng cho nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư đã kéo nhiều đối tượng tranh cãi vào cuộc. Đại diện Hội Kiến trúc Việt Nam đã lên tiếng từ chối bởi cho rằng, kiến trúc không chỉ đơn thuần là nghệ thuật, còn gắn liền với điều kiện kinh tế của đất nước. Và rằng, kiến trúc còn là nghiên cứu khoa học, không chỉ đơn thuần là lĩnh vực nghệ thuật.
Bên cạnh đó, trên các diễn đàn, đông đảo ý kiến không đồng tình với đề xuất xét tặng danh hiệu cho giới nhiếp ảnh, bởi lĩnh vực này mỗi năm đã có hàng trăm giải thưởng nhà nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, giảng viên về nhiếp ảnh cũng giống hầu hết bộ môn khác, nếu có thành tích tốt về giảng dạy, họ sẽ trở thành những nhà giáo ưu tú, chứ không nên xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Hiện những tranh cãi bên lề liên quan đến dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ (sửa đổi) vẫn diễn ra gay gắt trên các diễn đàn, trong giới nghệ thuật với nhiều luồng ý kiến trái chiều chỉ ra hàng loạt bất cập.
Nghịch cảnh của Thành Lộc và những lỗ hổng trong xét tặng danh hiệu
Chưa cần đến “động tác” mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu, chỉ xét riêng trong những đối tượng “nghệ sĩ biểu diễn” – đã tranh cãi nảy lửa kéo dài trong hàng mấy thập kỷ.
Có thể lấy đơn cử gần nhất về câu chuyện của NSƯT Thành Lộc. Mới đây, Thành Lộc gây xôn xao khi rời sân khấu kịch Idecaf – nơi anh đã gắn bó gần 30 năm.
Thành Lộc sinh năm 1961, có 40 năm gắn bó với sân khấu và nghiệp diễn (từ trước khi về đầu quân cho Idecaf). Trong nghề, ngay cả với giới nghệ sĩ hàng đầu, Thành Lộc được ví là phù thủy của sân khấu.
Suốt gần 30 năm ở Idecaf, Thành Lộc đã tỏa sáng ở cả vị trí diễn viên và đạo diễn. Anh có những vai diễn kinh điển trong hàng loạt vở diễn kinh điển như: Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông… Sự biến hóa, kỹ năng diễn xuất của Thành Lộc xếp vào diện “bậc thầy”.
Trên sân khấu, Thành Lộc như biến thành một người khác. Anh diễn xuất tinh tế, từ ánh mắt đến nụ cười đều thăng hoa. Khi Thành Lộc đóng vai Cám, giới trong nghề nói, có lẽ từ đây không ai còn dám đóng Cám, vì không thể vượt qua được cái bóng quá lớn Thành Lộc đã để lại.
Tài năng bậc thầy, nhưng Thành Lộc với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc chỉ được xét tặng danh hiệu NSƯT kể từ năm 2001 – cách đây đã 22 năm. Anh ít tham gia các hội diễn sân khấu. Số huy chương của Thành Lộc – nếu mang ra so sánh với một diễn viên hạng trung ở các đoàn tỉnh – có lẽ vẫn thua xa.
Những quy định về số lượng huy chương, về giải thưởng cần có, về việc phải làm hồ sơ xin được xét tặng danh hiệu… đã gây ra muôn chuyện bi hài và “làm khổ” nhiều nghệ sĩ. Có những tên tuổi đã thành danh, tài năng được khẳng định, đông đảo khán giả yêu mến nhưng cương quyết không làm hồ sơ “xin danh hiệu”. Bởi vậy, sẽ là không lạ khi những diễn viên đạt nhiều giải thưởng về nghề, có tài năng như Hồng Ánh, Thái Hòa… vẫn chưa có danh hiệu.
Lại có những trường hợp, nghệ sĩ tài năng ngồi vị trí cấp quản lý ở các nhà hát, gần như không có thời gian đi dự thi liên hoan sân khấu, thậm chí “không nên đi thi” vì phải nhường suất thi cho diễn viên trong đoàn… nên không đủ huy chương để xét tặng danh hiệu. Thành Lộc nằm ở trường hợp này.
NSƯT Chí Trung cho đến khi về hưu cũng chưa được xét tặng NSND, dù hồ sơ đã gửi đi nhiều lần, do giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc” của anh không được quy đổi thành huy chương.
Trong khi đó, lại có những nghệ sĩ “chưa ai biết mặt đặt tên” nhưng chăm chỉ đi thi, giành huy chương, chỉ với mục đích được xét tặng danh hiệu và họ đương nhiên trở thành NSƯT, NSND rất nhanh.
Việc các hội diễn luôn trao huy chương theo dạng “hòa cả làng”, những cơn mưa huy chương được trao khắp các đoàn đến dự… cũng từng được nhiều nghệ sĩ nhắc đến khi trả lời về bất cập của xét tặng danh hiệu.