Chấm dứt hợp đồng nhiều năm, NLĐ vẫn chưa có sổ BHXH
Đó là trường hợp của ông Lê Ngọc Hải (SN 1974, Triệu Sơn, Thanh Hóa).
“Tôi vào làm việc tại Công ty Cổ phần Lilama3 từ tháng 10.1995. Ở đâu có công trình xây dựng lớn như nhà máy thuỷ điện, nhà máy sản xuất ximăng, nhà máy sản xuất thép… là có mặt những người thợ lắp máy chúng tôi. Trong quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao mặc dù ngành nghề rất nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Tới tháng 3.2018, tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Đã hơn 5 năm tôi vẫn chưa được nhìn thấy cuốn sổ BHXH của mình” – ông Hải cho biết.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Lilama3, ông Hải cũng như nhiều người khác đã không được hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, trong đó có chế độ trợ cấp thất nghiệp… bởi công ty chưa đóng BHXH cho ông Hải trong thời gian hơn 60 tháng.
Không có việc làm, không có thu nhập, không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, muốn chốt sổ BHXH để xin vào đơn vị khác cũng không xong, muốn làm thủ tục để hưởng BHXH một lần thì không đủ điều kiện… ông Hải đã nhiều lần lặn lội từ Triệu Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội để cùng đồng nghiệp tới Công ty Cổ phần Lilama3 (đường Tân Xuân, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đòi quyền lợi.
“Để ra Hà Nội, tới công ty yêu cầu lãnh đạo đóng, chốt, trả sổ BHXH cho mình thì tôi phải đi vay mượn tiền mua vé tàu xe, sinh hoạt phí. Tuy nhiên, khi gặp được lãnh đạo thì chỉ nhận được lời hứa là lúc nào công ty có kinh phí thì đóng ngay cho người lao động… Khắc khoải đợi chờ hơn 5 năm nay rồi mà quyền và lợi ích chính đáng của tôi vẫn chưa được công ty thực hiện” – ông Hải ngao ngán nói.
Cùng cảnh như ông Hải, ông Nguyễn Văn Hòa (Phù Ninh, Phú Thọ) bị Công ty Cổ phần Lilama3 chậm đóng BHXH hơn 7 năm 4 tháng.
Ông Hòa cho biết, tháng 7.1997 ông kí hợp đồng làm việc với Công ty Lilama7 tại Đà Nẵng, sau đó tháng 6.2006 chuyển ra Công ty Lilama3 (tại Phú Thọ) – sau này công ty chuyển về Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tới tháng 2.2022, ông Hòa chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Lilama3. Tuy nhiên ông không được nhận sổ BHXH.
“Sau khi chấm dứt hợp đồng, tôi đã yêu cầu lãnh đạo Công ty Lilama3 chốt, trả sổ BHXH tuy nhiên lãnh đạo công ty luôn khất lần và đưa ra lời hứa là quý II/2023 thì sẽ đóng tiền BHXH. Nhưng tới thời điểm hiện nay, lời hứa đó chưa được lãnh đạo công ty thực hiện” – ông Hòa nói.
Không được cầm sổ BHXH, ông Hòa đã kiểm tra thời gian đóng BHXH trên ứng dụng VssID – BHXH số thì được biết, ông có tổng tham gia BHXH là 23 năm 1 tháng, tuy nhiên thời gian chậm đóng là 7 năm 4 tháng.
Trốn đóng BHXH có thể bị phạt tới 3 tỉ đồng
Luật sư Phạm Quốc Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Thái, Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 của Luật BHXH thì trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH bắt buộc, BHXH thất nghiệp là các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại Điều 122 Luật BHXH người sử dụng lao động vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Luật BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lí theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đã có quy định cụ thể.
Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ; Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng BHXH từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng BHXH cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động; không đóng số tiền BHXH đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017); Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Trốn đóng BHXH 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng BHXH cho 200 người lao động trở lên; không đóng số tiền BHXH đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)…
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đến 3 tỉ đồng…