Kết quả nghiệm thu không đúng thực tế
Cụm tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) là di tích cấp quốc gia, gồm 3 tháp Bắc, Giữa, Nam, trải qua nghìn năm, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tháng 10.2003, thoả thuận giữa Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án “Bảo tồn nhóm tháp Khương Mỹ” với kinh phí dự kiến 6,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, dự án được hoãn lại.
Đến tháng 10.2019, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc cụm tháp Chăm Khương Mỹ chính thức triển khai, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng thi công hoàn thành cuối năm 2022 với tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách.
Sau khi được trùng tu, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận đó là các hoa văn trang trí đặc trưng cho phong cách nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc… của nền văn minh Chăm pa từ nghìn năm trước, đã không còn hiện diện trên tường, gạch mới vừa phục chế.
Ghi nhận thực tế của báo Lao Động, những phần tường gạch tháp Chăm tháp Khương Mỹ hư hỏng nặng, đã được thay thế hoàn toàn bằng lớp gạch Chăm phục chế không có hoa văn, còn phần tường cũ chưa bị xói mòn, hư hại nhiều vẫn được giữ nguyên trạng, với nhiều chi tiết hoa văn chạm trổ bắt mắt.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hạng mục tu bổ các chi tiết chạm khắc: Soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp lại xuất hiện trong phần quy mô phê duyệt dự án, theo thông báo về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình này của Sở Xây dựng Quảng Nam ngày 12.12.2022.
Các bên liên quan nói gì?
Theo quy định của Luật di sản văn hóa 2013, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm yêu cầu giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với khái niệm tu bổ di tích lịch sử – văn hoá là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử – văn hoá.
Ông Phan Văn Cẩm, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam đánh giá: “Hoa văn trên thân tháp Chăm Khương Mỹ rất giá trị vì mang phong cách đặc trưng thời kì xây dựng tháp này. Nếu sau khi tu bổ làm mất đi hoa văn đó là điều rất đáng tiếc”.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Phạm Hồng Trường, Trưởng Phòng Tu bổ Trung tâm triển khai công nghệ xây dựng miền Trung, trực thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng khẳng định, hoa văn không có trong phần dự án được giao cho đơn vị thi công.
Theo quy định nói chung, hiểu nôm na là không thể phục hồi được vì không có cơ sở. Đợt trùng tu vừa qua với kinh phí xây lắp 10 tỉ chỉ tập trung chống sập 2 di tích tháp Giữa và Bắc.
Trước khi dự án trùng tu triển khai, Cục Di sản văn hóa, thuộc Bộ VH-TT&DL đã gửi văn bản đến Sở VH-TT&DL Quảng Nam có ý kiến như sau: “Thỏa thuận nội dung bảo tồn tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa, thuộc di tích tháp Khương Mỹ. Cụ thể, vệ sinh khoa học bề mặt tháp, xử lí khe nứt, gia cường bề mặt khối xây, bảo quản chống ăn mòn khối xây; tu bổ, phục hồi khối xây (không phục hồi hoa văn); chống mối nền, lát nền trong tháp bằng gạch Chăm phục chế… Tuy nhiên, Sở cần hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung giải pháp bảo vệ nguyên vẹn phần hoa văn hiện có tại phần vỏ gạch”. Đây là căn cứ pháp lí để xây dựng hồ sơ phương án thiết kế dự án trùng tu.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin tu bổ chi tiết chạm khắc, có thể đây là lỗi đánh máy.