Có thể được tăng quyền ở nhiều lĩnh vực
Thành phố Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trên cả nước.
Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Tuy nhiên sau hơn 3 năm thành lập, thành phố phía Đông TP Hồ Chí Minh chưa có thay đổi đáng kể do chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện.
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đề xuất cho phép HĐND, UBND, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh giao một số chức năng, nhiệm vụ cho cấp tương ứng của Thành phố Thủ Đức. Cụ thể, trong quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị, cán bộ, công chức, viên chức.
Tương tự, UBND và Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn.
Dự thảo cũng đề xuất HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định bộ máy, số lượng, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức. UBND TP Hồ Chí Minh sẽ lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu thanh tra xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Thủ Đức.
Cùng với đó, đề xuất HĐND Thành phố Thủ Đức được lập Ban đô thị trực thuộc. HĐND thành phố Thủ Đức có không quá hai phó Chủ tịch và 8 đại biểu chuyên trách. UBND Thành phố Thủ Đức có không quá 4 Phó chủ tịch.
Kỳ vọng đột phá về giao thông
Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thời gian qua, Thành phố Thủ Đức hoạt động như cơ quan hành chính cấp huyện, với khối lượng công việc lớn nên có việc, có những nội dung chậm, không đạt yêu cầu về thời gian của tổ chức và cá nhân khi liên hệ làm thủ tục hành chính.
Ông Hoàng Tùng đánh giá với nghị quyết mới, giao thẩm quyền cho HĐND TP Hồ Chí Minh xác định các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố Thủ Đức, các chức năng nhiệm vụ là phù hợp với điều kiện mới và đặc biệt là đang thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị.
“Đây là vấn đề mới mẻ và trong đó có nhiều nội dung mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi vận hành đối với quy mô đô thị như Thành phố Thủ Đức còn nhiều bất cập, cần bổ sung” – ông Tùng nói.
Cũng theo ông Hoàng Tùng, nghị quyết lần này cho phép UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND thành phố phê duyệt chức năng, bộ máy, số lượng cán bộ công chức thuộc Thành phố Thủ Đức. Đây là điều rất quan trọng, cốt lõi nhằm đáp ứng việc vận hành Thành phố Thủ Đức và phát triển trong thời gian tới. Đồng thời sẽ góp phần đẩy nhanh thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng…
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đề xuất cho TP Hồ Chí Minh áp dụng một số cơ chế, chính sách mới như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT…
Ông Hoàng Tùng nhìn nhận, Thành phố Thủ Đức được hưởng lợi rất nhiều từ các cơ chế mới này để kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Cụ thể, Thành phố Thủ Đức có điều kiện phát triển đô thị dọc theo Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Vành đai 3 theo mô hình TOD; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 theo hình hức BOT…
“Sau khi nghị quyết mới được thông qua thì Thành phố Thủ Đức có cơ sở pháp lý tổ chức quy hoạch và kêu gọi đầu tư theo trục giao thông, trước mắt là Metro số 1 và Vành đai 3” – ông Hoàng Tùng nói.