Những cuốn sách mua nhưng không hề đụng đến
Chị Phương Lê (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, 5 năm cấp I, 2 con chị học tại 1 trường công lập và chị đều đăng kí mua sách giáo khoa thông qua cô giáo chủ nhiệm vào cuối năm học. Trong bộ sách được phát trước kì nghỉ hè dành cho năm học kế tiếp, năm nào trong bộ sách cũng có cuốn “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”.
Dù giá bìa chưa đến 20.000 đồng (mỗi lớp 1 cuốn và mỗi cuốn giá khác nhau) nhưng cả năm học 2 con chị hầu như không đụng đến.
“Tính đơn giản, 2 con tôi mua 5 cuốn sách đó trong 5 năm, giá trung bình khoảng 16.000 đồng/cuốn, tương đương cấp I mỗi cháu tốn 80.000 đồng, 2 con là 160.000 đồng. Lớp con tôi có khoảng 60 học sinh, 1 năm học, lớp học đó tốn gần 1 triệu đồng. Nhân với các lớp khác trong khối, rồi nhân với cả trường, con số không hề nhỏ” – chị Lê nói.
Cũng theo chị Lê, cuối mỗi năm học, khi dọn dẹp sách vở, đồ dùng cũ để bán cho hàng đồng nát, chị luôn thấy tiếc nuối vì cuốn sách con mua từ đầu năm học gần như còn mới nguyên, bìa bóng láng. “Đây là sự lãng phí khủng khiếp” – chị Lê chia sẻ.
Không bán tách lẻ
Chị Tâm, 40 tuổi, là công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) có 4 con nhỏ, con lớn học lớp 12, con thứ hai học lớp 4, con thứ 3 lên 5 tuổi, con út 3 tuổi.
Quê ở Yên Bái, chị lấy chồng cũng làm công nhân, quê Hà Nam. Hiện, việc ít, không có tăng ca, gia đình 6 miệng ăn này có tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Chị Tâm cho hay, để cân đối món tiền này lo ăn học, tiêu pha cho hai vợ chồng và bốn đứa con là một cuộc cân não mệt mỏi.
Được hỏi về chuyện sách giáo khoa, chị Tâm chia sẻ nhiều bức xúc. Thứ nhất, chị thường xuyên đăng kí mua sách cho con thông qua cô giáo chủ nhiệm để đảm bảo đúng, đủ bộ sách theo nhà trường yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều cuốn nâng cao, dạy kĩ năng sống bán kèm sách chính gần như con chị không sử dụng đến.
“Mấy cuốn này giá khoảng 100.000 đồng, hầu như con tôi không dùng. Thậm chí, có sách bài tập mua cũng để không vì con chữa bài tập theo hướng dẫn của cô trên lớp và ghi chép vào vở khác” – chị Tâm nói.
Khi mua sách, nhà trường phát danh mục cho phụ huynh. Nhiều phụ huynh có ý kiến về những cuốn kĩ năng, bổ trợ, nâng cao là không cần thiết thì được giáo viên thông báo bộ sách không tách lẻ mà bán cả bộ. Điều này không khác gì “làm khó” phụ huynh.
Chị Tâm cho rằng, với đồng lương công nhân, việc lãng phí số tiền 100.000 đồng/học kì là nhiều. Ngoài ra, việc in các cuốn sách kĩ năng, bài tập trên loại giấy quá xịn cũng không cần thiết nếu cuối mỗi năm học đều không sử dụng lại được.
Chung quan điểm với chị Tâm, chị Trịnh Thị Chung, công nhân Công ty KAI (KCN Thăng Long) cũng bức xúc khi nhắc đến sự lãng phí trong mua, sử dụng sách giáo khoa.
Chị Chung có 3 con: lớp 7, lớp 2 và 4 tuổi. Con thứ học lớp 2, trước khi nghỉ hè vừa được chị Chung đăng kí mua sách giáo khoa lớp 3 thông qua cô giáo chủ nhiệm. Theo chị Chung, bộ sách của con gần 400.000 đồng, trong đó có những quyển kĩ năng sống không dùng bao giờ nhưng bắt buộc phải mua vì bán theo bộ, không bán lẻ.
Với con đầu học lớp 7, chị Chung quan sát sách bài tập Lịch sử, Địa lí không bao giờ dùng đến nhưng vẫn phải mua kèm bộ sách.
“2 vợ chồng công nhân, lương khoảng 15 triệu đồng/tháng, cuộc sống khó khăn vì phải thuê nhà, chúng tôi căn cơ từng đồng. Vì thế, mỗi năm học cứ phải mua những cuốn sách biết chắc cuối năm không dùng đến, bán đồng nát chẳng được mấy đồng, càng xót xa” – chị Chung nói.
Vì quá tiếc tiền, năm học vừa rồi chị Chung định xin lại sách cũ cho con học lớp 3 nhưng khi trao đổi, cô giáo của con nói không được vì năm nay dùng bộ sách khác. “Sách không thể tái sử dụng là lãng phí, phụ huynh đáng lẽ đã giảm thiểu một phần chi phí nhưng lại không thể” – chị Chung bày tỏ quan điểm.
* Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra, việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian “nên chưa tiết kiệm được chi phí”. Tỉ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lí so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.
Kết quả kiểm tra, xác minh tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn cho thấy, giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của đơn vị này có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua bằng giá đã đăng kí giá từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách. Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng kí đúng giá với số tiền hơn 85 tỉ đồng.
* Theo báo cáo riêng lẻ, trong năm 2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của NXB Giáo dục khoảng 1.780 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng so với một năm trước đó. Trong đó, doanh thu từ sách giáo khoa chiếm 1.583 tỉ đồng (tăng mạnh so với cùng kì là 1.078 tỉ đồng).
Trong năm, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh từ 939 tỉ đồng (năm 2020) lên 1.236 tỉ đồng (năm 2021). Trong đó, giá vốn sách giáo khoa là chỉ tiêu tăng mạnh nhất khi tăng từ 834 tỉ đồng lên 1.136 tỉ đồng. Kết quả, NXB Giáo dục ghi nhận lợi nhuận gộp năm 2021 xấp xỉ 545 tỉ đồng, tăng 56% sau 12 tháng.
Sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, kết thúc năm 2021, NXB Giáo dục báo lãi sau thuế 287 tỉ đồng, tăng khoảng 180 tỉ đồng so với năm 2020.