Theo quy định Luật Nhà ở 2014, người được thuê mua nhà ở xã hội phải là đối tượng chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật chỉ mới quy định về nhà ở chứ chưa có quy định về sở hữu đất.
Dĩ nhiên, sẽ có trường hợp người dân có đất nhưng không có kinh tế để xây nhà nhưng nhiều trường hợp có từ 2 lô trở lên thì lại là câu chuyện khác.
Ông Trần Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, khi xét hồ sơ xin thuê, mua nhà ở xã hội, với những trường hợp có 1 lô đất, gia đình thuộc đối tượng là người có công, hộ nghèo không có điều kiện xây nhà là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp có đến 3 hoặc 5 lô đất vẫn nộp hồ sơ đăng kí thuê, mua nhà ở xã hội là vô lý. Bởi, họ có thể bán 1 lô để làm nhà thay vì để đất đó rồi đi xin thuê ở nhà nhà nước.
Bên cạnh đó, Sở kiến nghị, cần điều chỉnh nội dung Luật Nhà ở để khuyến khích người dân mua nhà ở xã hội thay vì thuê như hiện nay. Hiện nay, luật quy định, người dân đang hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội rồi thì không được phép mua.
“Trong khi, nhu cầu về vốn đầu tư công của các địa phương rất cần để tái đầu tư. Một người dân đi thuê nhà ở xã hội, đến lúc họ đủ điều kiện lại không được mua nhà ở xã hội. Tôi cho rằng, phải khuyến khích người ta không thuê nữa, chuyển sang mua nhà ở xã hội, có thể sở hữu của nhà nước hoặc của các nguồn vốn khác.
Cái nữa là người đã từng mua nhà ở xã hội có diện tích nhỏ, đến lúc muốn mua cái lớn hơn khi có thêm con cái cũng không được là vô lý. Trường hợp này ở Đà Nẵng rất nhiều. Lúc mới cho mua, cho thuê thì hai vợ chồng ở nhà 38m2.
Sau đó, họ sinh ra 2-3 đứa con, ông bà nội ở quê ra chăm cháu. 6 người trong diện tích vậy thì rõ ràng không ổn. Chỗ này nên quy định là cho người dân mua nhà ở xã hội diện tích lớn hơn, với điều kiện là họ phải bán cái cũ đi, tức là không được phép sở hữu cùng lúc 2 cái căn hộ xã hội” – ông Hoàng kiến nghị.