Niềm vui của bóng đá nữ
Từng có một thời, bóng đá Việt Nam nhìn bóng đá nữ Thái Lan với sự nể phục, khát khao khi chứng kiến họ giành chức vô địch Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 3 lần liên tiếp. Đó là giai đoạn thập niên 1980, 1990 của thế kỉ trước, để khi đó, đội bóng Hoa học trò được thành lập và nổi lên trong bóng đá phong trào, không chỉ lôi kéo sự phát triển của bóng đá nữ mà còn đóng góp nhiều thành viên cho đội tuyển quốc gia sau này.
Và rồi, từ sự hâm mộ, nể phục dành cho bóng đá nữ Thái Lan, bóng đá nữ Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, trở thành đối trọng và vượt mặt người Thái để khẳng định vị thế số 1 tại Đông Nam Á.
Ở SEA Games 32 vừa qua, những Thùy Trang, Huỳnh Như, Hải Yến, Kim Thanh, Mỹ Anh, Thanh Nhã, Vạn Sự… đã tiếp bước các thế hệ đàn chị, giành tấm Huy chương Vàng. Nói chính xác hơn, họ bảo vệ thành công màu vàng của chiếc huy chương trên cổ sau khi đã giành được cách đây 1 năm.
Đáng nói là, chiến thắng này nâng tổng số lần vô địch SEA Games của bóng đá nữ lên con số 8 (hơn Thái Lan 3 chức vô địch) và cũng tạo nên lịch sử với lần thứ tư liên tiếp – điều bóng đá nữ Thái Lan chưa từng làm được.
Sau khi Thái Lan 3 lần vô địch liên tiếp vào các năm 1985, 1995, 1997, tuyển nữ Việt Nam làm được điều tương tự từ năm 2001 đến 2005. Và trong khi Thái Lan chỉ có thêm 2 lần lên ngôi trong thế kỉ 21, tuyển nữ Việt Nam vô địch 8 lần trong 10 kì SEA Games gần nhất.
Nếu chỉ nói đơn giản là “niềm vui” thì không diễn tả hết những gì Huỳnh Như và các đồng đội giành được. Họ, với rất nhiều khó khăn còn bủa vây, xứng đáng được tôn vinh nhiều hơn thế. Huấn luyện viên Mai Đức Chung, với 6 lần giúp đội tuyển vô địch SEA Games cũng như làm nên lịch sử với tấm vé dự World Cup mà cả đội sẽ đến thi đấu vào tháng 7 tới, xứng đáng được tôn vinh nhiều hơn thế.
Những cô gái vàng của thể thao Việt Nam nói chung, của bóng đá nữ nói riêng, đã phải đánh đổi, hi sinh nhiều thứ để cống hiến cho thể thao nước nhà. Họ mang lại niềm tự hào cho đất nước, cho dân tộc, họ đã thể hiện được ý chí, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, không khuất phục trước mọi trở ngại…
Khẳng định vị thế nhưng tất nhiên, bóng đá nữ Việt Nam không thể tự hài lòng và thỏa mãn. Đã có những tín hiệu – cả chủ quan lẫn khách quan, để bóng đá nữ phải tiếp tục đổi mới, không để chững lại hay có khoảng trống hẫng hụt sau một thế hệ…
Nỗi buồn U22 Việt Nam
Sự hẫng hụt thế hệ là điều đã xảy ra với bóng đá nam trong rất nhiều năm qua. Và SEA Games 32 một lần nữa khẳng định điều đó. Cho dù đội U22 cũng trở về với tấm huy chương nhưng không thể nói đây là kì SEA Games thành công.
Đang có rất nhiều tranh luận về kết quả, về màn trình diễn của đội U22 trên đất Campuchia. Nhiều người cho rằng, chiến thuật và phong cách huấn luyện của ông Philippe Troussier không phù hợp để gợi nhớ về những ngày tháng huy hoàng dưới thời Park Hang-seo. Tuy nhiên, họ cũng quên mất rằng, “có bột mới gột nên hồ”.
Vấn đề nằm ở chính cách bóng đá Việt Nam đối xử với cầu thủ trẻ. Họ không có sân chơi riêng thường xuyên để duy trì cảm giác, để phát triển. Họ phải chờ cơ hội – rất ít ỏi – để được thi đấu tại V.League, nhưng vẫn phải gánh trên vai mục tiêu bảo vệ Huy chương Vàng.
Điều trớ trêu là, điều đó xảy ra trong giai đoạn đang có sự tự hào về sự phát triển mạnh của công tác đào tạo trẻ. Đào tạo nhưng không thể phát triển hợp lí, đó là sự lãng phí.
Nhưng các cầu thủ không có lỗi. Huấn luyện viên Troussier cũng không có lỗi. Tất cả sẽ phải hiểu bối cảnh chung của bóng đá Việt Nam hiện tại để thấy rằng, sự chuyển giao giai đoạn không chỉ cần thời gian mà là cả sự chuyển biến về tư duy, về cách hành động.
Huấn luyện viên người Pháp đang định hướng thay đổi tư duy chơi bóng của thế hệ cầu thủ này nhưng về tổng thể, sự thay đổi còn phải đến ở các câu lạc bộ, ở tổ chức cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam. Sự thay đổi mang tính đồng nhất, không chỉ ở vài bộ phận nhỏ lẻ…
U22 Việt Nam trở về với tâm trạng không vui, nhưng không có nghĩa là mọi chuyện dừng lại ở đây. Như một kì Đại hội thành công nhưng không thể không có những khiếm khuyết, như thể thao Việt Nam nhất toàn đoàn nhưng cũng không thể toàn vẹn, những vấn đề của U22 Việt Nam được chỉ ra là cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai.
Ông Troussier nói hài lòng với cách các cầu thủ thể hiện, lạc quan về tương lai của họ và trận thắng U22 Myanmar để giành Huy chương Đồng là “trận đấu đầu tiên cho sự thay đổi”. Hãy dành cho ông niềm tin, thời gian và sự đồng hành, dành cho các cầu thủ sự kiên nhẫn, cổ vũ, khích lệ thay vì những lời nặng nề…
Vì như đã thấy, khi thoải mái và tự tin, họ có thể làm được nhiều thứ…