Nhà cổ rao bán hàng loạt
Tại cuộc họp báo giữa tháng 5.2023, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết, hiện nay Hội An có hơn 1.000 ngôi nhà cổ, trong đó gần 100 ngôi nhà cổ trong diện Nhà nước quản lí, chiếm khoảng 10%. Khi những ngôi nhà này xuống cấp sẽ được sửa chữa theo đúng quy định và được các chuyên gia của tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc giám sát hỗ trợ.
Loại hình thứ hai là do tập thể sở hữu, chiếm khoảng 20%, gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ.
Thứ ba là do tư nhân sở hữu, chiếm 70%. Trong đó, chỉ có khoảng 30% người gốc Hội An sở hữu, còn lại của cá nhân từ Hà Nội, Sài Gòn mua nhà và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh, họ tìm cách sửa từng chi tiết để phục vụ mục đích kinh doanh nên khó quản lí – ông Sơn nói.
Thời gian gần đây, trên các trang web buôn bán bất động sản, hàng loạt căn nhà cổ trong phố cổ Hội An được rao bán công khai với giá dao động từ 15 đến 60 tỉ đồng.
Đơn cử một ngôi nhà có diện tích 102 m2 trên đường Bạch Đằng đang rao bán với mức giá 60 tỉ đồng, khoảng gần 600 triệu đồng/m2.
Chủ ngôi nhà này cho hay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, căn nhà này cho thuê với giá hơn 80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau dịch việc kinh doanh gặp khó khăn nên quyết treo biển bán.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam – nhận định: “Theo tôi, các nhà đầu tư đều nhìn thấy được giá trị thương mại lớn khi kinh doanh trong các không gian nhà cổ ở Hội An. Nhiều doanh nghiệp thuê nhà ở phố cổ, mở cửa hàng kinh doanh còn nhằm mục đích tiếp cận, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế thông qua điểm đến nổi tiếng thế giới”.
Phai nhạt hồn phố
Những ngôi nhà cổ Hội An khác biệt với nơi khác bởi được lưu giữ hầu như nguyên vẹn từ cách xây, tô trát, đến cách bài trí họa tiết, hoa văn độc đáo dẫu trải qua hàng trăm năm. Bố cục mặt bằng của những ngôi nhà phố cổ Hội An gồm 3 gian: Buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An – cho biết, trong vài năm trở lại đây, một số ngôi nhà cổ có chủ sở hữu là người Sài Gòn, Hà Nội cho thuê lại để kinh doanh liên tục bị cháy do không có người trực.
Tương tự, những ngôi nhà cổ có chủ là người gốc Hội An nhưng ra ngoài ở và cho thuê lại. Hai dạng này đã chiếm hết 70% các ngôi nhà trong phố cổ. Đến nay, chỉ còn 30% người dân Hội An sinh sống thực thụ trong phố cổ.
Theo ông Sơn, thực trạng này, khiến nhà cổ Hội An mất dần chức năng. Nếu như trước đây nhà cổ có 3 chức năng: Dùng để ở, buôn bán và thờ cúng thì nay chỉ còn buôn bán. Chảy máu di sản và phai nhạt hồn phố đang là vấn đề hết sức nhức nhối.
Về giải pháp, ông Sơn cho biết, sắp tới Hội An sẽ thu bớt nhà cổ của các đơn vị sự nghiệp như của trung tâm văn hóa, bảo tàng. Sau khi trùng tu thì xây dựng phương án khai thác, sẽ đấu giá theo chủ đề, ví dụ như nhà trên đường Phan Bội Châu thì đang làm phố trà, phố thuốc bắc… Dần dần sẽ trả lại cho Hội An những chức năng như ngày xưa, khoảng đầu thế kỉ XX.
“Hiện Hội An đang được Chính phủ giao cho xây dựng cơ chế đặc thù, ví dụ như nhà cổ Hội An thì sắp tới phải tạo nguồn quỹ để bảo tồn di sản có thể mua lại nhà cổ và cho người dân thuê ở. Quan điểm của tôi là phải làm cho đời sống người dân tốt đẹp hơn nhưng hạn chế việc biến nhà cổ thành điểm phục vụ kiếm tiền. Thực trạng này hiện nay đã làm biến dạng di sản rất nhiều.
Tuy nhiên giải quyết vấn đề này không dễ, cần có nhiều giải pháp, chính sách, chúng tôi sẽ có đề án báo cáo với tỉnh, thậm chí cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có các giải pháp bảo tồn” – ông Sơn nói.