Mới đây, Báo Lao Động có bài viết “Người dân sốc khi bị yêu cầu truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước”, phản ánh việc một số hộ dân tại huyện Hoài Đức, Hà Nội bị truy thu tiền nước.
Liên quan đến vấn đề này, người dân cho biết, đã có buổi làm việc với phía công ty, song hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Cụ thể, khi người dân hỏi về khoản truy thu 80 triệu đồng, phía công ty nước sạch Tây Hà Nội cho biết đã nêu rõ tính pháp lý về việc quản lý đồng hồ sử dụng nước sạch đối với mỗi hộ dân theo quy định cũng như cách tính tiền truy thu nước sạch và giá trị truy thu còn lại sau khi trừ đi số tiền đã đóng hàng tháng.
Khi người dân tiếp tục đặt câu hỏi về việc công ty nước sạch đi kiểm tra đồng hồ và chốt số nước hàng tháng, thế nhưng đến khi phát hiện ra sự cố của đồng hồ lại yêu cầu truy thu tiền nước của 5 năm, phía công ty cho biết bộ phận ghi số nước hàng tháng chỉ có trách nhiệm ghi chỉ số công tơ theo ngày, theo tháng, không có trách nhiệm kiểm tra công tơ.
“Các bạn đi đọc chỉ số (đi ghi số nước – PV) không có trách nhiệm phát hiện ra việc này. Thanh tra là người phát hiện ra việc này” – phía đại diện công ty nêu.
Không bằng lòng trước câu trả lời của phía công ty, người dân tiếp tục chất vấn: “Không lẽ 5 năm qua, thanh tra công ty nước chỉ đi kiểm tra đồng hồ 1 lần. Nếu không xác định được thời điểm đồng hồ có lỗ thủng, có cắm tăm, tại sao không xác định một thời điểm nào khác mà lại là thời điểm bắt đầu kí hợp đồng – cách đây 5 năm”.
Về câu hỏi này, đại diện công ty cho biết: “Ví dụ anh chị có cắm (cắm tăm vào đồng hồ nước – PV) và biết ngày cắm thì câu chuyện lại khác. Còn anh chị không hợp tác, anh chị nói anh chị không làm thì chúng ta cùng nhau đưa ra luật, đưa ra công an để xử lý”.
Kết thúc buổi làm việc, hộ gia đình anh Thắng cho biết vẫn chưa hài lòng về cách làm việc và không cảm thấy thoả đáng với những lý lẽ mà công ty đưa ra.
Trước đó, theo phản ánh của hộ gia đình anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), giữa tháng 3.2023, anh nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo về việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ của anh có xuất hiện 1 lỗ thủng và 1 que tăm cắm vào công tơ.
Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó đã lập biên bản kiểm tra hệ thống nước về việc đồng hồ của khách hàng bị can thiệp vào mặt hiển thị.
Theo nội dung biên bản, đồng hồ bị cháy giữa mặt hiển thị (phần kim đen và kim đỏ). Tiết diện cháy dài khoảng 2cm, rộng 0,5cm. Tại vị trí gần mép cháy phía ngoài có thủng 1 lỗ tròn có cắm que tăm (có video và hình ảnh ghi lại sự việc).
“Dù tôi không kí vào biên bản, nhưng đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo tạm thời tháo đồng hồ, bịt tạm thời nguồn nước. Đồng thời, mời chúng tôi đến công ty để phối hợp giải quyết” – anh Thắng nói.
Tại đây, đại diện công ty lí giải rằng, do không biết sự việc xảy ra từ bao giờ, do đó công ty sẽ tính mức truy thu từ lúc lắp đặt đồng hồ, bắt đầu từ tháng 10.2018 đến tháng 3.2023 là 51 tháng.
“Tính trung bình 60 m3/tháng, nhân với giá nước kinh doanh là 25.000 đồng/m3, cộng thêm 1.500.000 đồng tiền thay đồng hồ mới, tổng cộng là 81.500.000 đồng” – anh Thắng dẫn lại lời của đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội.
Anh Thắng cho biết, cảm thấy khó hiểu với mức truy thu trên. Bởi mỗi tháng phía công ty đều có nhân viên đến kiểm tra công tơ và đều không phát hiện bất cứ vấn đề nào về công tơ. Thêm vào đó, gia đình anh đều đóng tiền nước đầy đủ, chưa bao giờ đóng thiếu, đóng chậm.
Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, nếu Công ty nước sạch Tây Hà Nội muốn thực hiện việc truy thu thì cần phải chứng minh được rằng ngân sách nguồn thu của Công ty nước sạch Tây Hà Nội thật sự bị đã bị thất thoát từ thời điểm tháng 10.2018 đến tháng 3.2023 và nguyên nhân xuất phát do lỗi của khách hàng – là anh Thắng.
Đồng thời, Công ty nước sạch Tây Hà Nội phải cung cấp được cơ sở pháp lý mà Công ty nước sạch Tây Hà Nội căn cứ vào để thực hiện việc truy thu tiền nước sử dụng của khách hàng.
Khoản 3 Điều 49 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 (có hiệu lực 17.8.2007) của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định rằng: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kì và thông báo cho khách hàng sử dụng nước, khách hàng sử dụng nước có quyền kiểm tra, giám sát việc ghi chỉ số đồng hồ của đơn vị cấp nước”.
Đối chiếu quy định này, theo Luật sư Hậu, nhân viên của Công ty nước sạch Tây Hà Nội có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kì và phải thông báo cho khách hàng sử dụng nước nếu phát hiện bất kỳ sự cố hay bất thường của công tơ nước.
Việc phía Công ty nước sạch Tây Hà Nội không phát hiện để có phương hướng xử lí từ sớm cũng như thông báo kịp thời cho phía khách hàng không thuộc phạm trù chịu trách nhiệm của khách hàng.