Thật xúc động khi được ngắm tượng Bác Hồ giản dị và ấm áp ngay tại Thủ đô Mexico của đất nước Mexico, trong một không gian rộng mát, chỉ cách cột cờ của Quảng trường trung tâm thành phố trên 700 m, gần Phủ Tổng thống, Tòa Thị chính, Nhà thờ Lớn… Đây là công viên mang tên “Tự do cho các dân tộc”, rộng khoảng 1.700 m2. Càng thấy gần gũi, thân thuộc hơn khi bắt gặp một chàng thanh niên ngoại quốc đang ngồi đọc sách ở chiếc ghế đối diện với một cảm giác bình an, ung dung giữa dòng đời xuôi ngược ngoài kia.
Sự xuất hiện của tượng Bác Hồ ở trung tâm Thủ đô Mexico từ năm 2009 cho thấy sự gắn bó và tình cảm đặc biệt của Chính phủ và nhân dân Mexico dành cho Bác Hồ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, cũng là minh chứng rõ nét nhất cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước.
Bức tượng Bác Hồ là tác phẩm của nhà điêu khắc Mexico – Pedro Ramirez Ponzanelli Ông là người gốc Italia, sinh năm 1973, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật điêu khắc. Lịch sử dòng họ ông ghi nhận những thành viên của gia tộc đã tham gia vào việc điêu khắc trang trí nhà thờ Carrara tại Italia, Nhà hát Lớn quốc gia, Đài kỷ niệm Độc lập tại Mexico và nhiều thành viên được tặng những giải thưởng danh giá về điêu khắc. Năm 14 tuổi, Ponzanelli nhận được giải thưởng đầu tiên, đó là giải thưởng quốc gia về điêu khắc của Mexico. Sau đó ông được ghi nhận với một loạt thành công về điêu khắc như tượng Benito Juarez, nhà cách mạng, cựu Tổng thống Mexico (1998), tượng José Marti, anh hùng dân tộc Cuba (2002)… Những tác phẩm của ông còn có mặt ở nhiều quốc gia gồm: Argentina, Bolivia, Trung Quốc…
Trên website của chính quyền Thủ đô Mexico có nêu ý kiến của Thị trưởng thành phố Mexico Marcelo Ebrard: “Hồ Chí Minh là một biểu tượng cho sự đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc. Vì thế, cần có một công viên tôn vinh Hồ Chí Minh, cũng vừa là một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mexico”. Những ý tưởng lớn đã gặp gỡ nhau. Đại sứ Việt Nam ở Mexico – Phạm Văn Quế (nhiệm kì từ tháng 9.2007 – 2.2011) cũng là người có ý tưởng đầu tiên về việc đặt bức tượng Bác tại công viên “Tự do cho các dân tộc”.
Đại sứ đã trao đổi với các nhà lãnh đạo, các kiến trúc sư, nghệ sĩ điêu khắc của thành phố Mexico để tiến hành xây dựng. Kinh phí và những vấn đề kĩ thuật do chính quyền thành phố Mexico đầu tư và chịu trách nhiệm. Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico hỗ trợ về mặt ý tưởng, thông tin. Nhà điêu khắc Ponzanelli với kinh nghiệm và tài năng của mình đã được chọn lựa để trở thành nghệ sĩ sáng tác. Ông đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico để tìm tư liệu, lên mạng sưu tầm hình ảnh, thông tin về Bác Hồ để có nguồn cảm hứng sáng tạo.
Dựa trên bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (TTXVN), chụp Bác Hồ đang làm việc tại vườn Phủ Chủ tịch, Ponzanelli đã thể hiện hình tượng Bác thật sống động và gần gũi với bộ quần áo kaki quen thuộc, đôi dép cao su, điếu thuốc trên tay, hộp diêm Thống Nhất dưới chân bàn, tập tài liệu trước mặt và ngồi trên chiếc ghế mây tập trung làm việc. Bức tượng được đúc với kích thước bằng người thật, với chất liệu đồng, như là một bản sao điêu khắc của bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ Đinh Đăng Định. Ponzanelli đã đặt thêm một chiếc ghế nữa bên cạnh bàn của Bác, để thể hiện sự sẵn sàng đối thoại của Bác với những người xung quanh, những thế hệ mai sau.
Phía sau tượng đài Bác Hồ là một hồ sen nhỏ với những cánh bèo xanh, những búp sen hồng, gợi nhớ quê hương làng Sen của Bác. Đặc biệt là có bức tường ốp đá trắng cao gần 4 mét với dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha, chính là câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “No hay nada más precioso que la independencia y la libertad” (Không có gì quý hơn độc lập, tự do). Đây là cũng là một chân lí gắn kết các dân tộc với nhau, trên tinh thần đấu tranh và cổ vũ cho tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân loại.
Bức tượng được đặt trong một không gian đầy bóng mát với lối vào có nhiều loài hoa quen thuộc như hoa lan, hoa dâm bụt… nhiều cây xanh gần gũi với người Việt Nam như bụi tre, khóm trúc, cây mít, cây bưởi… Bức tượng với tỉ lệ đẹp, tạo sự hài hòa với cảnh quan, môi trường xung quanh trở thành địa chỉ đỏ để người Việt đến đây chiêm ngưỡng cũng như du khách quốc tế.
Theo tác giả Hồ Phương, trong một bài báo đăng trên baotintuc.vn, tháng 1.2009, bức tượng được khánh thành với sự ngưỡng mộ và yêu thích của cả người Việt Nam và Mexico. Và nhà văn Mexico – Tapo Segundo đã phát biểu đại ý: “Bác Hồ đang ngồi đó, không trên bệ cao của quyền lực… Bác đang ngồi giữa lòng nhân dân Mexico”.
Còn với những người như tôi, được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng hình tượng lãnh tụ kính yêu, lại là tác phẩm sáng tạo của một nghệ sĩ quốc tế ở một quốc gia Trung Mỹ rộng lớn, nơi ra đời của hai nền văn minh lớn của châu Mỹ là Maya và Aztec – thật là kì diệu.
Ngoài bức tượng Bác tại khu vườn “Tự do cho các dân tộc”, bốn phiên bản khác do nhà điêu khắc Ponzanelli đúc đã được Đảng Lao động PT (Mexico) tặng Việt Nam. Năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một phiên bản bức tượng đã được tặng cho chính quyền Thủ đô Hà Nội. Năm 2011, một phiên bản bức tượng tiếp tục được trao tặng cho Việt Nam nhân chuyến thăm của đồng chí Alberto Anaya, Tổng Bí thư của Đảng Lao động PT Mexico, và được đặt tại Phủ Chủ tịch đúng nơi nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp Bác ngồi làm việc.
Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa và không có vị trí nào xác đáng hơn để đặt bức tượng này. Cũng với ý nghĩa đó, khi được biết xuất xứ, cảm hứng của bức tượng Bác Hồ là từ bức ảnh của nghệ sĩ Đinh Đăng Định – một nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, đồng thời những tài liệu mà Bác Hồ đang đọc trong bức ảnh đó chính là những bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, một cơ quan có nhiều hợp tác về mọi mặt với các cơ quan báo chí của Mexico, Tổng Bí thư Đảng Lao động PT Mexico – Alberto Anaya đã quyết định tặng cho Thông tấn xã Việt Nam một phiên bản của bức tượng này.
Năm 2012, bức tượng được đặt trong khuôn viên của trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội. Năm 2014, một phiên bản nữa của bức tượng đã đến với một nơi rất xa Mexico và rất gần Việt Nam, đó là khuôn viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nơi nhiều lần Bác Hồ đặt chân đến. Bức tượng này do Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm gửi tặng cho Đại sứ quán.
Ở một nơi xa xôi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, bức tượng Bác Hồ là nơi để các du khách Việt Nam, quốc tế cũng như người dân Mexico đến thăm viếng, chiêm ngưỡng, tỏ lòng kính trọng. Bác Hồ là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cũng là người bạn lớn của nhân dân các nước, là vị danh nhân của nhân loại. Nhưng Bác Hồ luôn hiện diện trong lòng người dân Việt Nam và các nước như là một hình ảnh gần gũi, thân thương, khiêm tốn, giản dị. Bức tượng của nhà điêu khắc Ponzanelli dựa trên bức ảnh của nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã khắc họa được hình ảnh gần gũi, bình dị ấy.
Được biết hiện nay ở đất nước Mexico, bên cạnh bức tượng của nhà điêu khắc Ponzanelli thì còn có một bức tượng Bác Hồ tại thành phố biển Acapulco. Đây là thành phố du lịch nổi tiếng của bang Guerrero, cách Thủ đô Mexico trên 300 km về phía Tây Nam. Tượng đài Bác Hồ được khánh thành vào năm 2009, cùng thời điểm với tượng đài của nhà điêu khắc Ponzanelli và được đặt trang trọng đối diện với tượng đài người anh hùng dân tộc châu Mỹ Latinh – Simon Bolivar, trên đại lộ Miguel Aleman – đại lộ lớn nhất của thành phố này.
Năm 2015, một pho tượng Bác Hồ được trang trọng đặt tại khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. Ngoài ra, trên đất nước Mexico, còn một nơi ghi dấu tên tuổi Bác Hồ. Đó là một giảng đường tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (UNAM) được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại học UNAM là đại học lớn nhất tại Mexico và thường xuyên nằm trong Top 50 trường đại học danh tiếng nhất thế giới.
Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được đặt cho hệ thống trung tâm châm cứu chữa bệnh cho người nghèo tại Thủ đô Mexico, thành phố Zacatecas và thành phố Monterrey. Đây là những dấu ấn rõ nét nhất để minh họa cho sự tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mexico – một đất nước cách xa Việt Nam, mà lại gần gũi, thắm thiết tình hữu nghị.