Ngày 19.5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.
Chỉ thị nêu, thời gian qua, công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, đặc biệt trong khảo sát, thiết kế; số liệu, thông tin khảo sát chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu chính xác.
Sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến rất nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh vốn, tổng mức đầu tư, dự toán… ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án.
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều biện pháp khắc phục, kịp thời chấn chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Để khắc phục những bất cập trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về trình tự, thủ tục, quản lý chất lượng, tiến độ, quản lý chi phí.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các dự án chậm tiến độ; chấn chỉnh công tác lựa chọn tư vấn; quản lý chặt chẽ hợp đồng tư vấn (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, dự toán; thẩm tra; giám sát).
Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn, quản lý thầu phụ; xử lý nghiêm các hành vi chuyển nhượng thầu, bán thầu trái quy định của pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Cụ thể, về công tác khảo sát, Bộ Giao thông Vận tải phải kiểm tra chặt chẽ năng lực thực tế của đơn vị khảo sát so với hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, bảo đảm chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế (đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, đặc biệt tại các khu vực nền đất yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp…).
Chấn chỉnh công tác khảo sát, đặc biệt khảo sát địa chất, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát, lưu ý khi khảo sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng của các mỏ, thủ tục khai thác, trữ lượng của các bãi đổ thải, đường vận chuyển, phương án sử dụng đường công vụ nội, ngoại tuyến đáp ứng yêu cầu của dự án.
Kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm thu đúng quy định của pháp luật; tính toán chi phí giải phóng mặt bằng phải điều tra làm rõ diện tích, loại đất… thỏa thuận với địa phương về đơn giá, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện.
Về tư vấn thẩm tra, Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiêm yêu cầu về tính độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng; bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với quy mô, loại và cấp công trình; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả thẩm tra.
Kiểm tra, rà soát một số dự án đường cao tốc có cốt đường cao hơn bình thường làm tăng nhu cầu vật liệu đắp nền; xem xét kỹ lưỡng điều kiện thoát lũ, phù hợp dòng chảy; nghiên cứu phương án làm cầu cạn, hạ thấp cốt đường, thay hầm dân sinh bằng cầu vượt đường cao tốc ngay từ khi lập dự án để có các phương án sử dụng vật liệu xây dựng và mặt bằng thi công.
Đồng thời, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công; không để xảy ra việc giao mỏ không đúng đối tượng, làm nảy sinh hoạt động “mua đi, bán lại” tăng giá vật liệu; chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, có biện pháp xử lý kịp thời đối với mỏ cấp không đúng quy định.