Bước chuyển mình táo bạo
Thời điểm năm 1998, Báo Lao Động khi đó phát hành 4 kỳ/tuần. So với mặt bằng chung báo chí trong nước lúc đó đã là một bước phát triển, nhưng so với yêu cầu của thông tin, học hỏi từ báo chí quốc tế, như vậy vẫn chưa đủ với nhu cầu bạn đọc.
Chính vì vậy, nhà báo Phạm Huy Hoàn – nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động đã xin phép để Báo Lao Động ra báo in hằng ngày, đồng thời có ý tưởng táo bạo về việc xây dựng tờ báo online. Khi bàn việc xây dựng tờ báo điện tử với nhà báo Thang Đức Thắng (nguyên Trưởng ban Lao Động điện tử từ 5.1999 – 10.2000), vì cùng chung ý tưởng và mục tiêu, rất nhanh chóng công việc được triển khai.
Dù vậy, vì một vài lý do khách quan, suốt năm 1998, Lao Động điện tử chỉ được chạy thử nghiệm. Đến ngày 19.5.1999, nhân dịp sinh nhật Bác Hồ, Ban Biên tập Báo Lao Động đã thống nhất chọn là ngày ra đời của Báo Lao Động điện tử, cũng là một dấu mốc trong lịch sử phát triển loại hình báo điện tử ở Việt Nam.
Nói về thời điểm Lao Động điện tử ra đời, nhà báo Phạm Huy Hoàn – nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động từng chia sẻ: “Thời gian đầu, Lao Động điện tử chỉ đơn thuần đẩy những bài viết từ báo giấy lên online, để người Việt, bạn bè khắp năm châu có thể đọc, biết được tình hình trong nước. Làm được điều này trong thời kỳ đó cũng đã là một bước tiến. Thời gian sau, Lao Động điện tử bắt đầu được cải tiến để có thể cập nhật liên tục theo giờ.
Chỉ sau 1-2 năm ra đời, Báo Lao Động điện tử đã gây được tiếng vang với bạn bè thế giới. Tôi nhận được rất nhiều bức thư của lãnh đạo những tờ báo ở Pháp xin phép được dùng lại những tin bài trên Báo Lao Động điện tử, vì họ đặt niềm tin và đánh giá cao những bài viết của Lao Động”, nhà báo Phạm Huy Hoàn chia sẻ.
Thời điểm năm 1999, chỉ có khoảng 2-3 tờ báo điện tử của Trung ương ra đời. Khi đó, đại đa số người dân trong nước vẫn giữ thói quen đọc tin tức trên báo giấy. Báo điện tử vẫn xa lạ. Tuy là loại hình báo chí mới, nhưng Lao Động điện tử vẫn liên tục phát triển, số lượng bạn đọc tăng dần hằng ngày.
“Những ngày đầu khi báo chạy thử nghiệm, tôi nhớ có khoảng 15.000 bạn đọc/ngày. Đến lúc chính thức ra mắt, con số tăng dần lên, có ngày đạt 500.000 người đọc. Bạn đọc Lao Động phát triển theo khả năng thông tin của báo. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho Báo Lao Động điện tử vì có nhiều thành tích xuất sắc”, nhà báo Phạm Huy Hoàn nhớ lại.
Những bài tường thuật trực tiếp đầu tiên
Năm 2003, chế độ duyệt tin bài trên Lao Động điện tử vẫn chưa thông thoáng mà tuân thủ quy trình giống báo giấy, nên việc xuất bản, cập nhật thông tin trên báo điện tử khá chậm. Tuy vậy, đội ngũ lãnh đạo, phóng viên Ban Lao Động điện tử vẫn mày mò và được phép làm một số việc trong khả năng.
Ở thời điểm công nghệ hạn chế, kinh nghiệm để học hỏi chưa nhiều, Lao Động điện tử đã dám thực hiện điều “không tưởng” là cập nhật các sự kiện trên báo điện tử.
Nhớ về “chiến tích” 20 năm trước, nhà báo Nguyễn Đức Tuân – nguyên Trưởng ban Lao Động điện tử nói: “Thời điểm Mỹ tấn công Iraq, Lao Động điện tử bám khá sát diễn biến. Từ lúc liên quân Anh – Mỹ nổ súng tấn công tới khi xe tăng Mỹ tràn vào Baghdad, Lao Động điện tử đã cập nhật thường xuyên, ngoài ra còn khai thác các thông tin bên lề cuộc chiến từ các hãng tin nước ngoài”.
Đầu năm 2004, một tin bài tường thuật khác ra đời khi Học viện Quân y tiến hành ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho cô bé Nguyễn Thị Diệp. Bằng những sáng kiến thô sơ, nhưng hợp lý, hiệu quả ở thời điểm đó, toà soạn đã kết nối với Nguyễn Hằng (phóng viên mảng y tế khi đó) để cập nhật diễn tiến ca mổ bằng cách… “nháy” điện thoại.
Nhà báo Nguyễn Đức Tuân kể: “Theo thỏa thuận, có diễn biến mới là Hằng sử dụng điện thoại di động “nháy” vào máy của nhóm biên tập viên tại Hàng Bồ và chúng tôi sẽ dùng máy cố định gọi lại. Đơn giản là vừa tiết kiệm tiền điện thoại cho phóng viên, vừa gõ máy tính nhanh hơn.
Hằng tường thuật khá tỉ mỉ về ca phẫu thuật, từ lúc các bác sĩ xuất hiện đến khi vào phòng mổ. Cứ có người trong phòng mổ đi ra, Hằng lại hỏi và chuyển về cho tòa soạn. Hằng còn chủ động xin được số điện thoại của gia đình cháu Diệp ở Nam Định để chúng tôi gọi về hỏi han, phỏng vấn”, nguyên Trưởng ban Lao Động điện tử chia sẻ.
Điều đáng tiếc nhất với nhà báo Nguyễn Đức Tuân và các phóng viên Lao Động điện tử trong cuộc tường thuật này là không chuyển được ảnh về tòa soạn. Thế nên, cả bài tường thuật gần như không có tấm ảnh nào, kể cả ảnh minh họa.
20 năm kể từ những tin bài tường thuật trực tiếp đầu tiên, Lao Động điện tử hiện tại đã có đội ngũ hùng hậu, đầu tư trang thiết bị, trường quay hiện đại, sẵn sàng thực hiện các chương trình tọa đàm, hội thảo trực tuyến, truyền hình trực tiếp, các video trực tiếp tại hiện trường… cập nhật đến độc giả những thông tin nhanh nhất và nhận về nhiều phản hồi tích cực.