Đội tuyển nữ Việt Nam vừa đi vào lịch sử với tấm huy chương vàng môn bóng đá nữ ở 4 kì SEA Games liên tiếp.
Bên cạnh những lời chúc mừng và khen ngợi, có không ít những bình luận cợt nhả tràn ngập trên mạng xã hội.
“Ước gì tôi được một lần trực tiếp hôn lên lá cờ trên trên ngực trái của các tuyển thủ thay cho lời cảm ơn”, hay “Sao các chị không cởi áo ăn mừng?”, “Vì các cầu thủ nữ đã dùng đôi chân để làm rung động trái tim người hâm mộ, nên tôi muốn dùng đôi tay để chạm đến trái tim họ”, “Sao không chuyển logo xuống quần”… và vô số những lời bình luận khiếm nhã khác.
Đáng nói, những bình luận đó còn nhận được hàng chục lượt thích, thả cảm xúc đồng tình.
Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, ngay sau khi các tuyển thủ nữ trở thành nhà vô địch bóng đá nữ ở SEA games 32 là việc hình ảnh họ bị chia sẻ với những bình luận thô tục.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai – chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, giảng viên dạy môn Đàm phán/ Giao tiếp Đa Văn hóa, từng theo học tại trường Đại học Amsterdam, Hà Lan. cho rằng, đây là trò đùa dục tính của số đông các tài khoản nam, thể hiện định kiến xã hội, và sự thản nhiên của rất nhiều người về quấy rối tình dục online.
Đây không phải là lần đầu tiên các bình luận khiếm nhã đó nhắm đến các cô gái tuyển nữ Việt Nam, mà ở các môn thể thao khác, những bình luận hàm ý quấy rối cũng xuất hiện khá phổ biến.
Không chỉ ở Việt Nam, cầu thủ nữ ở nhiều quốc gia khác cũng phải đối mặt với những phản ứng thiếu tôn trọng từ những người hâm mộ (đa phần là nam giới) về việc phụ nữ chơi bóng đá.
Các nữ cầu thủ của đội tuyển Australia từng phải đồng loạt lên tiếng vào năm 2021 về việc bị quấy rối một cách “ghê tởm” trên mạng xã hội. Liên đoàn bóng đá nước này (Professional Footballers Australia – PFA) đã phải vào cuộc và mở các cuộc điều tra sau những tuyên bố của các cầu thủ nữ.
Những cựu binh như Lisa de Vanna và Rhali Dobson cũng cho biết họ bị quấy rối trên mạng suốt những năm tháng sự nghiệp của mình.
Các hành vi quấy rối mà Liên đoàn nước này điều tra bao gồm các bình luận kì thị người đồng tính, đe dọa và lan truyền những hình ảnh riêng tư mà không được sự cho phép của cầu thủ.
“Phần lớn những gì chúng ta chứng kiến trên mạng xã hội nhắm vào các cầu thủ đều là ghê tởm và không thể được chấp nhận trong xã hội,” giám đốc điều hành của PFA Kathryn Gill nói.
“Hành vi có chủ đích và hèn hạ này là không thể được chấp nhận và phải bị lên án”.
Ngôi sao của tuyển nữ Anh, Lucy Bronze cũng từng chia sẻ: “Thể thao nữ nói chung có xu hướng gặp phải những bình luận khiếm nhã và tôi nghĩ có lẽ chúng đã diễn ra từ lâu, nhưng mọi người chưa bao giờ đủ can đảm để lên tiếng”, Bronze nói vào tháng 10 năm ngoái, ngay trước thềm trận đấu với tuyển Mỹ.
Không dừng lại ở Anh, theo Daily Mail, các cuộc điều tra cũng đã diễn ra ở Mỹ, Pháp, Colombia và Argentina vè những hành vi quấy rối cả trên mạng và quấy rối trực tiếp.
Đáng buồn hơn là không chỉ các nữ cầu thủ, mà ngay cả những người hâm mộ là nữ giới yêu thích bộ môn thể thao vua cũng phải chịu những lời lẽ phân biệt.
Theo công bố của dự án mang tên “Her Game Too” vào năm 2021, trong 371 người phụ nữ tham gia khảo sát, có 91,9% đã từng bị quấy rối trên mạng, phân biệt giới tính khi theo dõi hoặc tham gia thi đấu môn bóng đá; 63,1% đã từng bị quấy rối, phân biệt trên mạng vì xem bóng đá và 58,4% đã từng bị quấy rối trực tiếp trên sân bóng hoặc trong quán rượu khi xem bóng đá.
Đó là thực trạng hiện tại khi các môn thể thao đang bị phân biệt với nữ giới.
Việc chia sẻ hình ảnh các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam với những bình luận được cho là “bệnh hoạn” cần được lên án mạnh mẽ hơn nữa.