Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bộ này muốn cập nhật quy trình nội bộ đối với các thương vụ bán khí tài quân sự cho nước ngoài trị giá hàng chục tỷ USD mà cơ quan này giám sát mỗi năm, để tăng tốc độ phê duyệt trong bối cảnh “cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng.”
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy quy trình cung cấp vũ khí cho các đồng minh của Mỹ được thực hiện quá chậm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “đã đến lúc đánh giá lại và điều chỉnh hợp tác an ninh để ứng phó với những thách thức mới và đang nổi.” Theo kế hoạch, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể dự đoán trước yêu cầu của các đồng minh về việc mua vũ khí để bắt đầu quy trình phê duyệt, thay vì chỉ bắt đầu xem xét sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ đồng minh.
Ngoài ra, bộ này cũng có kế hoạch đào tạo thêm cho các tùy viên quân sự tại các đại sứ quán, vốn là “đầu mối liên lạc đầu tiên” trong Chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Bộ Quốc phòng nước này đã tiến hành đánh giá song song các cơ chế triển khai FMS.
[Chính phủ Mỹ phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Nhật Bản]
Hiện có 2 cách thức chính để các chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty Mỹ là: đàm phán trực tiếp giữa chính phủ nước ngoài với công ty Mỹ và chính phủ nước ngoài liên hệ với tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của nước đó. Cả 2 cách thức này đều phải có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ.
Doanh thu bán vũ khí cho nước ngoài thông qua Chính phủ Mỹ đã tăng 49,1%, từ mức 34,8 tỷ USD trong năm 2021 lên 51,9 tỷ USD trong năm ngoái.
Trước đó, Kyodo đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7/3 vừa qua thông báo chính phủ nước này đã chấp thuận thương vụ bán lô máy bay bổ sung có trang bị hệ thống cảnh báo sớm trên không hiện đại cùng thiết bị liên quan cho Nhật Bản với chi phí ước tính 1,38 tỷ USD.
Cùng ngày, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay cơ quan này đã thông báo Quốc hội về kế hoạch liên quan tới máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không tiên tiến E-2D Advanced Hawkeye.
Sau khi phê duyệt chi tiêu Quốc phòng kỷ lục cho tài khóa 2023 vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên kế hoạch mua sắm thêm thiết bị quốc phòng từ Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk./.