Chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ đã được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thống nhất khi ký Tuyên bố Washington tại Nhà Trắng vào ngày 26.4. Mục đích của chuyến thăm là để tăng cường sự hiện diện thường xuyên của các tài sản chiến lược tại bán đảo Triều Tiên.
Các chi tiết của chuyến thăm vẫn còn được giữ bí mật nhưng tàu USS Maine dự kiến ghé cảng hạm đội hoạt động Chinhae – một căn cứ hải quân của Mỹ gần thành phố Busan, vào giữa tháng 5.
Nhưng tàu ngầm lớp Ohio sẽ không dừng lại ở Yokosuka hoặc Sasebo – 2 căn cứ của Hải quân Mỹ tại Nhật Bản.
Điều này là do “3 nguyên tắc phi hạt nhân” của Nhật Bản, chính sách mà Tokyo thực hiện từ năm 1967, khi Thủ tướng Eisaku Sato cam kết nước này “sẽ không sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như không cho phép đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật Bản“.
Theo Nikkei, một số nhà lập pháp và nhà phân tích lưu ý có khả năng thay đổi yếu tố thứ ba, về việc không cho phép đưa vũ khí vào lãnh thổ. Ban đầu, yếu tố này được đưa vào các nguyên tắc để công chúng hiểu rằng Tokyo sẽ không cho phép quân đội Mỹ triển khai hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân qua lãnh thổ Nhật Bản sau khi Okinawa được trả lại cho Nhật Bản năm 1972.
Mỹ đã gửi SSBN tới Hàn Quốc 35 lần trong những năm 1970 và 1980. Chuyến thăm của tàu USS Robert E Lee vào tháng 3.1981 là lần gần đây nhất.
Hải quân Mỹ có 14 chiếc SSBN lớp Ohio, mỗi chiếc có thể mang 20 tên lửa Trident II. Khả năng tàng hình khiến SSBN có vị thế vững chắc trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, mang lại lợi thế trước tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom chiến lược trên đất liền.
Do tính bí mật và tính nhạy cảm với vũ khí hạt nhân, các SSBN của Mỹ hiếm khi cập cảng nước ngoài. Một trong số ít trường hợp ngoại lệ là Scotland, nơi SSBN đôi khi xuất hiện tại Căn cứ Hải quân Clyde ở Faslane.
Từ quan điểm hoạt động, chuyến thăm của SSBN tới Hàn Quốc không mang lại lợi ích gì. Nếu phóng tên lửa, tàu ngầm này sẽ phải phóng từ ngoài biển.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Elbridge Colby chia sẻ trong một hội thảo trực tuyến gần đây do Viện Nghiên cứu Hàn Quốc – Mỹ tổ chức rằng, chức năng của tàu ngầm mang tên lửa chiến lược là ẩn nấp, vì vậy việc đi đến một cảng sẽ khiến nó dễ bị tấn công hơn bởi nằm trong tầm bắn của máy bay và tên lửa.
Bonji Ohara – thành viên cao cấp tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa – cho biết, cuộc cập cảng của tàu USS Maine có thể phản ánh mong muốn của phía Mỹ nhằm ngăn cản Hàn Quốc theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng nước này.
“Bằng cách công khai cho thấy sự hiện diện hạt nhân của Mỹ, họ muốn trấn an rằng khả năng răn đe mở rộng đang phát huy tác dụng” – ông nói.