Bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc, lạc đắt hơn bia”
Cách đây vài ngày, chị P.T.T.N (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Phú Diễn A (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được thông báo của cô giáo chủ nhiệm trong nhóm Zalo về việc đăng kí mua sách và các sản phẩm giáo dục phục vụ lớp 9 năm học 2023 – 2024.
Đọc qua danh sách giáo viên gửi, chị T.N “tá hoả” khi có đến 40 đầu sách giáo khoa, sách bài tập với mức giá lên đến 756.400 đồng cùng 14 đầu sách tự chọn với mức giá gần 300.000 đồng. Như vậy, nếu đăng kí mua hết những đầu sách nhà trường đưa ra, mỗi phụ huynh phải chi trả hơn 1 triệu đồng.
Trong khi đó, các nhà sách hiện nay niêm yết công khai giá 1 bộ sách giáo khoa lớp 9 (đã bao gồm sách giáo khoa Tiếng Anh) là 141.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng bằng 1/5 so với mức giá bộ sách giáo khoa mà trường con chị T.N đưa ra.
“Giá mỗi cuốn sách không nhiều, nhưng cộng dồn thì lại là con số lớn. Chưa kể, có nhà 2,3 con cùng đến trường, việc chi tiền mua sách vở, đồ dùng như vậy rất tốn kém” – chị T.N nói.
Năm ngoái, rất nhiều phụ huynh trong lớp con chị T.N đã đăng kí mua theo danh sách nhà trường đưa ra. Kết thúc năm học, nhiều cuốn xếp chồng trên giá sách, còn nguyên trang giấy trắng.
Chính vì lí do này, chị T.N cảm thấy vô cùng bất bình trước kiểu bán sách giáo khoa “bia kèm lạc” – tình trạng đã tiếp diễn tại trường nhiều năm nay.
“Dù nói là không bắt buộc, nhưng giáo viên liên tục thúc giục phụ huynh đăng kí. Phần lớn phụ huynh trong lớp đều cả nể, tặc lưỡi đăng kí. Đã có 37 phụ huynh đăng kí mua và đóng tiền” – chị T.N nói.
“Trường không ép buộc” nhưng cách làm lại gây hiểu lầm
Liên quan đến phản ánh của phụ huynh, trao đổi với Lao Động, cô Vũ Thị Minh Ngân – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn A (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, cuối năm học, nhà trường có đưa danh sách các đầu mục sách giáo khoa, sách bài tập để phụ huynh đăng kí mua tại trường. Tuy nhiên, việc quyết định mua hay không là do phụ huynh tự nguyện đăng kí, nhà trường không ép buộc.
“Danh sách là do đơn vị xuất bản cung cấp và nhà trường đưa ra để phụ huynh tham khảo. Dựa trên danh mục đó, phụ huynh có nhu cầu mua những đầu sách nào cho con sẽ đăng kí. Nhà trường không ép buộc hay yêu cầu phụ huynh đăng kí mua theo bộ” – cô Ngân nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diễn A giải thích, mặc dù trong danh mục chia thành 2 phần: Phần 1 là sách giáo khoa và sách bài tập; phần 2 là sách tự chọn, nhưng không có bất kỳ đầu sách nào là bắt buộc, kể cả sách giáo khoa.
“Không phải bất kỳ phụ huynh nào cũng đăng kí mua sách cho con tại trường. Có những gia đình xin được các bộ sách giáo khoa lớp trước để lại, thì chỉ cần đăng kí thêm những cuốn sách còn thiếu. Hay cũng có gia đình, vì điều kiện khó khăn, nên phải dùng lại các bộ sách cũ,…” – cô Ngân nói và khẳng định, sẽ quán triệt tới giáo viên để tránh gây hiểu nhầm trong quá trình truyền đạt tới phụ huynh.
Cứ mỗi đầu năm học, ngành giáo dục lại ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị, nghiêm cấm các trường ép buộc, bán sách giáo khoa kèm sách bài tập tạo áp lực, gánh nặng cho phụ huynh.
Dù đã có lệnh cấm, đến hẹn, phụ huynh vẫn phàn nàn về tình trạng các cơ sở giáo dục bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh thành, gây lãng phí xã hội, phụ huynh tốn hàng nghìn tỉ đồng mua các đầu sách không cần thiết.