Ho tro ket noi thi truong cho nganh luong thuc thuc pham hinh anh 1Ban tổ chức HCMC FOODEX 2023 chia sẻ thông tin với báo chí. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Lương thực thực phẩm là một trong những ngành sản xuất được Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển, tuy nhiên do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) quyết định tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023) sớm hơn thông lệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới.

Thông tin trên được Ban tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2023 chia sẻ tại họp báo giới thiệu triển lãm, ngày 19/5.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC, cho biết chế biến lương thực thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam.

[Việt Nam tiên phong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững]

Với việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam.

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh thì ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, đóng góp 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, dưới tác động khó khăn chung của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sụt giảm mạnh so cùng kỳ.

Ho tro ket noi thi truong cho nganh luong thuc thuc pham hinh anh 2Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC, phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 19,8% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của thành phố giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực thực phẩm cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Trần Phú Lữ, Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu vào năm 2022 và được định hướng trở thành triển lãm quốc tế chuyên ngành thường niên, tổ chức vào tháng 10 hàng năm.

Tuy nhiên, trước bối cảnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm, ITPC và FFA quyết định tổ chức Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 2023 vào cuối tháng 6/2023 với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch FFA, chia sẻ mặc dù nằm trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhưng ngành lương thực thực phẩm vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới.

Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.

Trong lúc đó, ở thị trường nội địa, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến thương mại nhưng sức mua vẫn còn yếu.

Chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm (bao gồm bán buôn và bán lẻ) đã giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp kỳ vọng HCMC FOODEX 2023 sẽ mang lại cơ hội mở rộng các hoạt động kết nối giao thương; giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế cũng như tiếp cận, học hỏi và đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Qua đó, giúp các doanh nghiệp chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới chất lượng và an toàn, đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Triển lãm cũng là nơi các doanh nghiệp đang hoạt động trong tất cả phân khúc chuỗi giá trị của ngành lương thực thực phẩm trong và ngoài nước có thể tập hợp cùng nhau để thảo luận, trao đổi ý kiến, thiết lập các mối quan hệ chuyên nghiệp và cùng nhau phát triển, ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết thêm.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 28-30/6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm có quy mô dự kiến khoảng gần 300 gian hàng của hơn 200 đơn vị doanh nghiệp, đơn vị trong nước và quốc tế./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)