Đúng 10 giờ sáng ngày 19/5, tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 101km) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chính thức đưa vào vận hành.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đưa vào khai thác đúng dịp 19/5, là kết quả thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2023).
Đây là kết quả của các Ban Quản lý dự án, Nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, huy động đủ mọi nguồn lực, làm việc “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa dự án vào khai thác sớm nhất.
Hiện nay, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với dự án thành phần đoạn Phan Thiết-Dầu Giây đi thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án đưa vào khai thác đã hoàn thiện 5/5 nút giao, gồm nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56.
[Chưa thu phí cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết]
Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km144+560 và Km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông Vận tải đang giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị chức năng và các đơn vị khác có liên quan tại địa phương tăng cường lực lượng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông trên tuyến.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án 7 thực hiện. Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (trùng với điểm cuối dự án cao tốc đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo); điểm cuối dự án thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (trùng với điểm đầu dự án cao tốc đoạn Phan Thiết-Dầu Giây). Quy mô giai đoạn 1 của dự án gồm 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe.
Với việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết kết nối với tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Bình Thuận có tuyến đường cao tốc dài 160km đi qua địa bàn.
Khi được đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc này, sẽ tạo cho Bình Thuận một trục giao thông đối ngoại hiện đại, quan trọng; giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại trong thời gian qua; tạo bước đột phá trong kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung./.