Cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch dài hơn 320 m, được khởi công từ tháng 10.2021, với tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô, sau khi hoàn thiện dự án được kỳ vọng sẽ giảm thiểu ùn tắc tại nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch.
Trước đó, theo kế hoạch dự án cầu vượt chữ C sẽ được thông xe trong tháng 6.2022, tuy nhiên do gặp khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm nổi, đồng thời bị gián đoạn nhiều lần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến dự án bị chậm tiến độ.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 19.5, cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch đã hoàn thiện trên 80% kế hoạch, với nhiều hạng mục hoàn thành như mố cầu và các trụ, lắp dựng xong 9/9 nhịp kết cấu dầm thép, đổ bêtông bản mặt cầu.
Tại công trường, máy móc và công nhân đang tập trung hoàn tất các công đoạn cuối cùng của cầu vượt chữ C. Phần phía dưới cầu, công nhân cũng đang tháo dần các rào chắn bằng tôn, hoàn trả mặt đường, đồng thời hoàn thiện phần mố cầu, bờ bo và lan can.
Cũng theo quan sát, ngay tại lối lên cầu vượt chữ C, người dân đã tự ý phá rào để di chuyển, gây ra cảnh hỗn loạn giao thông cho nút nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch vào giờ cao điểm.
Anh Trịnh Quốc Nam (32 tuổi, Kim Liên, Đống Đa) cho biết, rất vui mừng khi cầu vượt chữ C đang dần hoàn thiện và sắp được thông xe.
“Tôi háo hức đến ngày cầu vượt chữ C thông xe, thậm chí đếm ngược từng ngày. Kỳ vọng sau khi cầu vượt được thông xe sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề ùn tắc thường xuyên diễn ra tại đây”, anh Nam nói.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, trong tháng 5 cầu chữ C sẽ hoàn thành trải thảm nhựa toàn bộ. Vào tháng 6, dự án sẽ hoàn thiện hệ thống lan can và chiếu sáng, thoát nước trên cầu. Dự kiến, dự án sẽ thông xe vào ngày 25.6.2023.
Theo đơn vị thi công, việc hợp long phần khung thép cho thấy đã vượt qua những hạng mục khó khăn nhất của dự án. Ngay sau khi hợp long, các công nhân đã tiến hành thực hiện các phần công việc tiếp theo như thảm mặt cầu, lắp lan can.
Do mặt bằng công trường thi công chật hẹp, phương tiện lưu thông đông đúc khiến việc việc di chuyển thiết bị, máy móc phục vụ công tác triển khai dự án gặp tương đối nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cầu vượt có độ cong rất lớn lại được lắp ráp bằng thép nên đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao.